Xét nghiệm men tim là một xét nghiệm thực hiện trên mẫu máu của bạn. Xét nghiệm cho kết quả lượng enzym tiết ra khi tế bào cơ tim bị tổn thương hoặc stress do thiếu oxy. Từ đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán xem liệu bạn có đang/đã bị một cơn đau tim hay không. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị hỗ trợ kịp thời, tốt nhất cho người bệnh. Sau đây, mời bạn cùng Klept.com.vn tìm hiểu thêm về xét nghiệm men tim nhé!
Xét nghiệm men tim là gì?
Men tim là các enzym (hay protein) được tim giải phóng vào máu khi tim có bất kì tổn thương nào khiến tế bào cơ tim bị chết, chẳng hạn như cơn đau tim hay đau thắt ngực nghiêm trọng,…
Xét nghiệm men tim là một thủ thuật giúp bác sĩ đo mức độ tổn thương cơ tim. Từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán được những gì đang xảy ra với tim của bạn, và kịp thời đưa ra các phương pháp điều trị tốt nhất trong khoảng thời gian vàng.
Khi cơ tim bị tổn thương, nó tiết ra một số enzym (protein) như creatine kinase (CK-MB), và troponin (TnT, TnI),… và giải phóng vào máu. Từ đó việc xét nghiệm máu sẽ cho kết quả lượng nồng độ của các enzym này. 2 Thông qua đó bác sĩ của bạn sẽ:
- Kiểm tra mức độ tổn thương tim và các vấn đề khác.
- Chẩn đoán các tình trạng tim gây ra một số triệu chứng như đau thắt ngực, tức ngực và khó thở,…
- Theo dõi hiệu quả điều trị của thuốc và đánh giá kết quả đáp ứng của cuộc phẫu thuật tim.
Chỉ định xét nghiệm men tim khi nào?
Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm men tim nếu nghi ngờ rằng bạn đang gặp phải một cơn đau tim hoặc bị tổn thương tim do viêm (viêm cơ tim),… 2
Bạn cũng có thể được đề nghị xét nghiệm nếu có các triệu chứng tắc nghẽn động mạch vành, chẳng hạn như: 2
- Đau hoặc tức ngực.
- Chóng mặt.
- Cảm thấy yếu, mệt mỏi, choáng váng.
- Khó thở, buồn nôn.
- Đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh hoặc bất thường.
Quy trình thực hiện xét nghiệm men tim
Giống như các quy trình xét nghiệm máu thông thường, bác sĩ sử dụng một cây kim để lấy một lượng máu vừa đủ từ cánh tay gần khuỷu tay của bạn. Bạn sẽ cảm thấy châm chích một chút khi kim đâm vào.
Quy trình lấy mẫu máu chỉ mất vài phút. Và bạn sẽ nhanh chóng nhận được kết quả vì xét nghiệm men tim thường khẩn cấp để nhanh chóng đánh giá mức độ tình trạng tim.
Xét nghiệm men tim tương đối đơn giản, an toàn và hầu hết là không có rủi ro. Tại vị trí đâm tiêm, bạn có thể bị bầm tím nhẹ hoặc đau tạm thời. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì chúng sẽ biến mất nhanh chóng trong vài ngày tới và không để lại bất kỳ biến chứng gì.
Bên cạnh đó, bác sĩ của bạn có thể làm xét nghiệm này tương tự trong thời gian điều trị để xem mức độ đáp ứng của bạn như thế nào. 2
Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm men tim
Giá trị bình thường của Troponin:
- TnT: 0 – 0,04 (ng/ml); Hs-TnT (độ nhạy cao, chính xác hơn): 0 – 14 ng/L.
- TnI: 0 – 0,04 (ng/ml); Hs-TnI (độ nhạy cao, chính xác hơn): 0 – 58 ng/L.
Giá trị bình thường của Creatine Kinase (CK-MB): 5 đến 25 IU/L.
Giá trị bất thường nói lên điều gì?
Nồng độ Troponin tăng cao: cho thấy có nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phẫu thuật tim,… Ngoài ra nhờ Hs-TnT còn giúp dự đoán suy tim, thuyên tắc phổi, tăng áp động mạch phổi,…
Nồng độ CK-MB tăng: đặc hiệu cho tổn thương, hoại tử tế bào cơ tim (do chấn thương, thiếu oxy,…), nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim,…
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
Khác với troponin tăng trong 3 giờ và duy trì ở mức cao trong 7 đến 14 ngày. Thời gian bán thải trong huyết thanh của CK-MB ngắn, nên việc lấy mẫu máu phải thực hiện trong vòng 48 giờ (và tốt nhất là trong 24 giờ) khi có triệu chứng. CK-MB tăng trong vòng 3 đến 6 giờ; các mức cao nhất xảy ra từ 16 đến 30 giờ.
Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra của bạn bao gồm:2
- Thuyên tắc phổi.
- Nhiễm trùng máu.
- Suy tim cấp tính hoặc mãn tính.
- Chấn thương sọ não.
- Bệnh amyloidosis.
- Đang sử dụng phương pháp hóa trị liệu.
- Bệnh thận giai đoạn cuối.
- Tiêu cơ vân.
- Tập thể dục.
Do một số yếu tố khác có thể kích hoạt mức độ men tim tăng lên, vì vậy, bác sĩ sẽ không chỉ dựa vào mức độ men tim để chẩn đoán cơn đau tim. Mà còn sử dụng điện tâm đồ và các triệu chứng để xác định chẩn đoán.
Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm men tim
Xét nghiệm men tim không cần chuẩn bị gì cả. Bạn không cần phải nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm.
Tuy nhiên hãy nói với bác sĩ tất cả những loại thuốc hay chấy bổ sung nào mà bạn đang sử dụng.2 Đặc biệt, hãy báo với bác sĩ nếu bạn đang dùng vitamin B7 (Biotin), bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Trước khi thực hiện xét nghiệm bạn có thể mất vài giờ để đào thải hết lượng biotin và đảm bảo rằng nó không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bạn.
Một số biện pháp giúp phòng ngừa các bệnh lý tim mạch
Chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim khi thực hiện một lối sống khoa học và lành mạnh. Các biện pháp cụ thể bao gồm:
- Thực phẩm và đồ uống lành mạnh: đảm bảo ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh. Đồng thời, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế muối, thức uống nhiều đường, rượu,…
- Giữ cân nặng hợp lý: những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Vì vậy hãy kiểm soát cân nặng của bạn ở trong ngưỡng hợp lý.
- Thường xuyên tập thể dục: không những giúp duy trì cân nặng hợp lý, hoạt động thể chất còn giúp giảm huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu. Đối với người lớn, bác sĩ khuyến nghị tập thể dục cường độ trung bình (như đi bộ, đi xe đạp,…) khoảng 2 giờ 30 phút mỗi tuần. Trẻ em, thanh thiếu niên tầm 1 giờ mỗi ngày.
- Không hút thuốc lá: hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim. Vì vậy nếu bạn hút thuốc lá, hãy bỏ thói quen này. Bạn có thể liên hệ bác sĩ để được đề xuất một số cách giúp bạn từ bỏ thuốc lá.
Nếu bạn bị cholesterol cao, huyết áp cao hoặc tiểu đường, bạn có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ mắc bệnh tim:
- Kiểm soát lượng cholesterol: Nên kiểm tra mức cholesterol trong máu ít nhất 4-6 năm một lần. Nếu bạn có lượng cholesterol máu cao, hãy đảm bảo việc dùng thuốc ổn định, thay đổi lối sống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra mức cholesterol để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao thường không có triệu chứng. Vì vậy, hãy kiểm tra nó thường xuyên, ít nhất 2 năm một lần nếu chưa từng có bệnh về tim. Nếu bạn bị cao huyết áp, hãy kiểm tra thường xuyên hơn, dùng thuốc hợp lý và đồng thời thay đổi lối sống (chẳng hạn như giảm muối trong chế độ ăn hằng ngày,…).
- Kiểm soát đường huyết: Thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu, thay đổi lối sống kiểm soát đường, đặc biệt hãy dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Kiểm soát đường huyết cũng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh về tim.
Lưu ý, hãy tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Đừng tự ý ngưng sử dụng thuốc mà không báo trước với các chuyên viên y tế.
Xét nghiệm men tim ở đâu?
Để được xét nghiệm men tim và chẩn đoán chính xác, cũng như kịp thời đưa ra phương án điều trị tốt nhất, chúng ta nên lựa chọn thực hiện tại các bệnh viện, cơ sở y tế lớn uy tín với đội ngũ cán bộ y tế, trang thiết bị chất lượng. Bạn đọc có thể tham khảo một số đơn vị có thực hiện xét nghiệm men tim dưới đây.
Cơ sở xét nghiệm men tim tại miền Bắc
- Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 42 – 44 Nghĩa Dũng, Phúc xá, Ba Đình, Hà Nội.
- Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Hóa: 12-14 Phạm Ngũ Lão, Phường Đông Sơn, Thành phố Thanh Hoá, Tỉnh Thanh Hoá.
- Bệnh viện Bạch Mai: 78 đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội.
Cơ sở xét nghiệm men tim tại miền Trung
- Phòng khám Medic Sài Gòn: 97 Hải Phòng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
- Phòng khám Chuyên khoa Xét nghiệm MEDLATEC Thừa Thiên Huế: 33 Thạch Hãn, Phường Thuận Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
- Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên: 184 Trần Quý Cáp, Tự An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Cơ sở xét nghiệm men tim tại miền Nam
Bệnh viện Bình Dân: Số 371 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TP.HCM.
Phòng khám Medic Sài Gòn:
- D1/02 Quốc lộ 50, Liên Ấp 4-5, Phong Phú, Bình Chánh, TP.HCM.
- 23 Nguyễn Thị Nhỏ, Phường 9, Tân Bình, TP.HCM.
Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Hồ Chí Minh: 98 Thích Quảng Đức, phường 05, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Phòng khám Đa khoa – Trung tâm Xét nghiệm và Chẩn đoán Y khoa – Medical Diag Center: 624 Nguyễn Chí Thanh, phường 4, quận 11, TP.HCM.
Xét nghiệm men tim giá bao nhiêu?
Chi phí xét nghiệm men tim cũng là một vấn đề được quan tâm. Dưới đây, Klept.com.vn đã tổng hợp giá xét nghiệm men tim tại một số cơ sở xét nghiệm. Bạn đọc có thể tham khảo nhé!
Tên cơ sở | Giá xét nghiệm Troponin T (VNĐ) | Giá xét nghiệm Troponin I (VNĐ) | Giá xét nghiệm CK-MB (VNĐ) |
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC | 149.000 (Troponin T-Hs). | 200.000 (Troponin I-Hs) | HCM: 49.000.
TH 119.000. |
Bệnh viện Bạch Mai | 110.000 | 110.000 | 50.000 |
Phòng khám Medic Sài Gòn | 90.000 (Troponin T-Hs). | 90.000 | 70.000 |
Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên | 74.200 | 74.200 | 37.100 |
Bệnh viện Bình Dân | Đang cập nhật | 75.4000 | Đang cập nhật |
Medical Diag Center | 143.000 (Troponin T-Hs). | 225.000 (Troponin I-Hs). | 99.000 |
Chú thích: Troponin T-Hs: xét nghiệm đo Troponin T với độ nhạy cao; Troponin I-Hs: xét nghiệm đo Troponin I với độ nhạy cao. |
Bạn đọc lưu ý, chi phí này chỉ mang tính chất tham khảo. Giá thực tế có thể thay đổi tuỳ tình hình thực tiễn. Với những chi phí đang cập nhật, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp cơ sở y tế để biết thêm thông tin nhé!
Xét nghiệm men tim là một phương pháp đơn giản, an toàn giúp phát hiện nhanh chóng và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời cho các bệnh lý về tim. Tim – cơ quan quan trọng nhất cho sự sống của con người. Vì vậy, hãy tạo cho mình một lối sống an toàn, lành mạnh để hạn chế, phòng ngừa các nguy cơ biến cố tim mạch.