HIV – căn bệnh thế kỷ có khả năng tấn công và phá hủy hệ miễn dịch của cơ thể. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con, đường máu hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm HIV. HIV có thể được phát hiện nhờ vào các xét nghiệm. Vậy bạn đã biết gì về xét nghiệm HIV? Bài viết dưới đây của Klept.com.vn sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về loại xét nghiệm này.
Xét nghiệm HIV là gì?
Xét nghiệm HIV là phương pháp y học giúp phát hiện người bệnh có bị nhiễm virus HIV hay không.
Các xét nghiệm phát hiện HIV là các phương pháp chuyên biệt giúp xác định chính xác kết quả bệnh. Tuy nhiên, không có phương pháp nào phát hiện HIV ngay khi vừa bị lây nhiễm. Thời điểm phát hiện HIV sớm hay muộn phụ thuộc vào phương pháp bạn sử dụng.
Các cơ chế của xét nghiệm HIV
Có 3 loại cơ chế của các xét nghiệm HIV:
1. Xét nghiệm kháng thể
Đây là xét nghiệm tìm kháng thể chống lại HIV. Mẫu xét nghiệm là máu hoặc nước bọt. Xét nghiệm này cần 23 – 90 ngày để phát hiện HIV sau khi phơi nhiễm. Các xét nghiệm nhanh và xét nghiệm duy nhất được FDA chấp nhận là xét nghiệm kháng thể.
2. Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể
Đây là xét nghiệm tìm kiếm cả kháng nguyên và kháng thể HIV. Nếu bạn bị nhiễm HIV, một kháng nguyên tên là p24 sẽ được tạo thành trước khi kháng thể sinh ra. Đây là xét nghiệm phổ biến ở Hoa Kỳ. Nếu dùng mẫu xét nghiệm là máu tĩnh mạch thì sẽ phát hiện được HIV sau 18 – 45 ngày phơi nhiễm. Nếu dùng máu từ ngón tay thì phải cần 18 – 90 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn nhiễm.
3. Thử nghiệm acid nucleic (NAT)
Đây là xét nghiệm xác định được tải lượng virus trong máu. Nếu bạn đã tiếp xúc với nguồn nhiễm và có các triệu chứng sớm của HIV nhưng xét nghiệm kháng thể hoặc kháng nguyên/kháng thể âm tính thì bạn sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm này. NAT có thể phát hiện virus HIV từ 10 – 33 ngày sau khi phơi nhiễm.
Xét nghiệm máu bình thường có phát hiện ra HIV?
Bạn nên biết khi thực hiện các xét nghiệm máu bình thường không thể phát hiện sự tồn tại của virus HIV trong cơ thể. HIV chỉ được phát hiện bằng các xét nghiệm chuyên biệt như tìm kháng nguyên, kháng thể và phải được thực hiện vào thời điểm thích hợp.
Ý nghĩa của việc xét nghiệm HIV
Xét nghiệm HIV giúp xác định bạn có bị nhiễm HIV hay không. Với những người bị nhiễm HIV khi xác định được tình trạng của mình có thể được điều trị và kéo dài sự sống trong nhiều năm. Việc điều trị HIV sẽ giúp làm giảm số lượng virus trong máu, giảm các biến chứng do HIV gây ra và ngăn ngừa lây truyền trong cộng đồng.
Thời gian xét nghiệm HIV
Đối với từng loại xét nghiệm sẽ có yêu cầu về thời gian phơi nhiễm khác nhau. Việc xét nghiệm tìm kháng thể của virus HIV cần phải có thời gian để kháng thể được sinh ra trong cơ thể. Thời gian để cơ thể tạo ra kháng thể ở mỗi người là khác nhau.
Xét nghiệm HIV sau 6 tháng có chính xác không?
Với thời gian 6 tháng phơi nhiễm, tất cả các loại xét nghiệm HIV hầu như đều có thể xác định bạn có bị nhiễm HIV hay không. Vì trong 6 tháng kể từ lúc phơi nhiễm, virus đã có thời gian nhân lên và cơ thể bạn đã bắt đầu sinh ra kháng thể.
Xét nghiệm HIV sau 2 – 3 tháng có chính xác không?
Xét nghiệm HIV sau 2 – 3 tháng phơi nhiễm có thể hiệu quả và cho kết quả chính xác. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh có đến 95% bệnh nhân cần ít nhất 5 tháng để phát hiện ra bệnh. Có người phải sau phơi nhiễm vài năm mới phát hiện được mình bị nhiễm HIV.2
Xét nghiệm HIV sau 1 tháng có chính xác không?
Sau 1 tháng kể từ khi phơi nhiễm, bạn hoàn toàn có thể xét nghiệm HIV. Tuy nhiên bạn có thể sẽ nhận được kết quả chưa chính xác cho tình trạng của mình. Nếu kết quả xét nghiệm sau 1 tháng của bạn là âm tính, bạn nên thực hiện thêm 1 lần xét nghiệm ở khoảng thời gian xa hơn (3 tháng, 6 tháng) để đảm bảo xác định đúng tình trạng sức khỏe của mình.
Xét nghiệm HIV mấy tháng là chính xác?
Cần phải có một khoảng thời gian để các xét nghiệm xác định được chính xác bạn có bị nhiễm HIV hay không. Thời gian tối thiểu để thực hiện xét nghiệm là 2 – 3 tháng sau khi phơi nhiễm.
Xét nghiệm HIV combo sau 14 ngày
Còn được biết đến là xét nghiệm HIV combo Ag/Ab. Đây là xét nghiệm giúp phát hiện nhanh chóng kháng thể (HIV I, HIV II) và kháng nguyên (P24) có đang tồn tại trong huyết tương của bạn không. Đây là loại xét nghiệm thuộc nhóm kháng nguyên/kháng thể.
Việc có thể xét nghiệm tầm soát sớm như vậy là nhờ sinh phẩm thế hệ thứ 4. Nếu kết quả xét nghiệm của bạn là âm tính thì tính tới thời điểm xét nghiệm trong cơ thể bạn chưa có sự tồn tại của kháng nguyên và kháng thể HIV. Bạn vẫn nên thực hiện thêm tối thiểu 1 lần xét nghiệm này vào 1 thời điểm xa hơn trong tương lai.
Xét nghiệm HIV combo sau 21 ngày
Đây cũng chính là một loại xét nghiệm HIV combo Ag/Ab. Xét nghiệm này sẽ giúp xác định nhanh trong cơ thể bạn đang có kháng nguyên/kháng thể HIV hay không.
Một số vấn đề cần bạn lưu ý khi thực hiện xét nghiệm này:
- Kiểm tra trong khoảng thời gian 1 tháng cho kết quả âm tính thì tiếp tục làm xét nghiệm 3 tháng. Nếu xét nghiệm 3 tháng của bạn âm tính thì có thể 70 – 80% bạn không bị nhiễm HIV.
- Nếu sau 6 tháng xét nghiệm vẫn âm tính thì khả năng cao là bạn không bị nhiễm HIV.
- Nếu xét nghiệm cho bất kỳ kết quả dương tính tại thời điểm nào, điều này chứng tỏ cơ thể bạn đang tồn tại kháng nguyên/kháng thể HIV. Cần liên hệ bác sĩ để xây dựng phương án điều trị.
Xét nghiệm HIV sau 3 tuần có chính xác không?
Bạn có thể thực hiện xét nghiệm HIV sau 3 tuần phơi nhiễm. Một số xét nghiệm có thể cho độ chính xác cao như PCR, NAT, HIV Ag/Ab…
Nếu kết quả âm tính, bạn vẫn nên thực hiện xét nghiệm xác định vào các mốc thời gian sau đó (3 tháng, 6 tháng) để đảm bảo cho sức khỏe của mình.
Xét nghiệm HIV giai đoạn cửa sổ
Giai đoạn cửa sổ (the window period) là khoảng thời gian từ lúc phơi nhiễm đến khi xét nghiệm có thể xác định chính xác kết quả. Giai đoạn cửa sổ của mỗi cá nhân là khác nhau và nó cũng phụ thuộc vào loại xét nghiệm HIV bạn thực hiện.
Xét nghiệm HIV vào giai đoạn cửa sổ sẽ cho kết quả âm tính dù cho bạn có nhiễm bệnh. Vì vậy nếu nghi ngờ mình bị nhiễm HIV nhưng xét nghiệm vẫn cho kết quả âm tính, bạn vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng lây lan và thực hiện xét nghiệm khẳng định vào giai đoạn 3 tháng, 6 tháng tính từ lúc phơi nhiễm.
Những đối tượng cần xét nghiệm HIV
Theo CDC, những người trong độ tuổi 13 – 64 nên xét nghiệm HIV ít nhất 1 lần.
Những người có yếu tố nguy cơ nên thực hiện xét nghiệm này thường xuyên hơn. Bạn nên đi xét nghiệm ít nhất mỗi năm 1 lần nếu:5
- Bạn quan hệ tình dục với nhiều người từ lần xét nghiệm HIV cuối cùng.
- Bạn đã quan hệ tình dục qua đường hậu môn/âm đạo với người nhiễm HIV.
- Bạn đã dùng chung kim tiêm, ống tiêm hay các dụng cụ tiêm chích với nhiều người.
- Bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh hay đang điều trị bệnh lý tình dục khác.
- Bạn đã được chẩn đoán hay đang điều trị viêm gan hoặc bệnh lao.
Trước khi quan hệ tình dục với bạn tình mới, hãy trình bày cho nhau tiền sử tình dục và cân nhắc việc làm xét nghiệm HIV để đảm bảo quan hệ tình dục an toàn.
Các loại xét nghiệm HIV
Xét nghiệm HIV combo Ag/Ab là gì?
Xét nghiệm HIV combo Ag/Ab có tên gọi đúng là xét nghiệm HIV combo Ag/Ab.
Đây là xét nghiệm thuộc nhóm kháng nguyên/kháng thể. Xét nghiệm này giúp phát hiện cả kháng nguyên (P24) của virus và kháng thể (HIV I, HIV II) do cơ thể bạn tạo ra.
Xét nghiệm HIV combo Ag/Ab có chính xác không?
Xét nghiệm HIV combo Ag/Ab có ưu điểm vượt trội hơn so với các phương pháp khác. Phương pháp này có độ chính xác cao và cho kết quả nhanh. Đây là phương pháp kết hợp tìm kiếm cả kháng nguyên và kháng thể HIV trong cơ thể. Chỉ cần một xét nghiệm duy nhất đã biết người phơi nhiễm có bị virus HIV hay không.
Nếu xét nghiệm được thực hiện sau 6 tháng phơi nhiễm mà cho kết quả âm tính, khả năng cao là bạn đã không bị nhiễm HIV.
Xét nghiệm murex HIV Ag/Ab combination
Đây là xét nghiệm HIV Ag/Ab sử dụng kỹ thuật ELISA thế hệ thứ 4. Độ nhạy của phương pháp là 100% và độ đặc hiệu là 99,78%.
Phương pháp có thể phát hiện kháng nguyên p24 và kháng thể kháng HIV từ tuần thứ 3 trở đi. Phương pháp xét nghiệm HIV Ag/Ab này có thể xét nghiệm sau 21 ngày và khoảng thời gian lý tưởng nhất là sau 28 ngày.
Xét nghiệm HIV Ag/Ab miễn dịch tự động
Đây là phương pháp tìm kháng nguyên và kháng thể HIV Ag/Ab trong huyết thanh và huyết tương. Phương pháp này dựa trên nguyên lý miễn dịch điện hóa phát quang (CLIA).
Phương pháp này được thực hiện bởi chuyên viên đã qua đào tạo và đồng thời phải có chứng chỉ xét nghiệm HIV theo quy định của Bộ Y Tế.
Kết quả xét nghiệm HIV Ag/Ab
Các kết quả thường gặp cho loại xét nghiệm này là dương tính, âm tính và không xác định.
Kết quả âm tính
Kết quả này cho thấy trong cơ thể bạn không có kháng nguyên P24 và kháng thể chống lại virus HIV. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp âm tính giả:
- Kháng nguyên và kháng thể còn tương đối ít nên chưa thể phát hiện.
- Bệnh nhân còn đang ở trong giai đoạn cửa sổ.
Bạn nên thực hiện thêm xét nghiệm ở các mốc thời gian 3 tháng, 6 tháng sau khi phơi nhiễm. Điều này sẽ đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm.
Kết quả dương tính
Nếu kết quả của bạn dương tính. Có thể bạn đã bị nhiễm virus HIV. Bạn sẽ cần thực hiện các xét nghiệm khẳng định để đảm bảo không bị dương tính giả.
Kết quả không xác định
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến kết quả này có thể là vì bệnh nhân đang ở trong giai đoạn cửa sổ hoặc các thuốc bệnh nhân đang sử dụng ảnh hưởng đến khả năng nhận diện kháng nguyên/kháng thể của xét nghiệm.
Bạn cần thực hiện lại xét nghiệm ở các mốc thời gian quy định để xác định đúng tình trạng của mình.
Xét nghiệm PCR HIV
PCR được sử dụng để phát hiện vật chất di truyền của HIV (RNA). Đây là phương pháp có thể phát hiện rất sớm tình trạng lây nhiễm HIV của bạn.
Xét nghiệm PCR HIV sau bao lâu
So với các phương pháp truyền thống phải cần 2 – 3 tháng để cho kết quả xét nghiệm, PCR có thể phát hiện vấn đề của bạn chỉ sau vài ngày đến 2 tuần phơi nhiễm.
Xét nghiệm PCR có chính xác không?
PCR là một kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến và có độ chính xác cao nhất so với các xét nghiệm khác. Tuy nhiên chúng không được sử dụng rộng rãi vì khá tốn kém.
Xét nghiệm HIV tại nhà
Để đáp ứng nhu cầu tự kiểm tra tại nhà, nhiều bộ kit xét nghiệm tại nhà đã ra đời. Điều này giúp tối ưu thời gian di chuyển và bảo quản thông tin cá nhân tuyệt đối. Với các phương pháp này bạn chỉ mất 20 phút để nhận kết quả của mình.
Bộ xét nghiệm HIV tại nhà
Những bộ test tại nhà sẽ cần lấy mẫu dịch miệng hoặc máu đầu ngón tay. Cách thức thực hiện đều đơn giản và không gây đau đớn cho người dùng.
Tuy nhiên hiện nay các bộ xét nghiệm này vẫn chưa được phổ biến và giá thành cũng khá cao. Người nghi nhiễm có thể sẽ lo lắng về mức độ chính xác của phương pháp nên không nhiều người lựa chọn.
Xét nghiệm HIV tại nhà bằng nước bọt
Hiện nay có một số bộ kit xét nghiệm dùng mẫu nước bọt chứ không dùng mẫu máu. Điều này sẽ hạn chế gây đau đớn cho bạn. Người đang nghi nhiễm có thể xét nghiệm tại nhà và có kết quả trong 15 phút.
Vì nồng độ kháng thể virus tồn tại trong nước bọt thấp hơn trong máu nên kết quả có thể cho âm tính giả vì kháng thể chưa được sinh ra đến lượng bộ kit có thể phát hiện được
Cách xét nghiệm HIV tại nhà
Xét nghiệm HIV tại nhà bằng máu đầu ngón tay
- Ngón tay dự định lấy máu để làm xét nghiệm cần được vệ sinh và sát trùng trước khi lấy mẫu.
- Chích dứt khoát kim chích máu lên đầu ngón tay đã được sát trùng.
- Nặn và nhỏ giọt máu lên đầu que thử.
- Nhỏ dung dịch đệm được cung cấp trong bộ kit và đợi kết quả.
- Kết quả cần đọc sau 15 – 20 phút thực hiện, không kéo dài lâu hơn:
- Nếu chỉ có 1 vạch xuất hiện tại vị trí C: kết quả âm tính.
- Xuất hiện cả 2 vạch ở C và T, dù có vạch bị mờ: kết quả dương tính.
- Không có vạch nào xuất hiện hoặc vạch xuất hiện tại T mà không có tại C: kết quả bị lỗi, cần thực hiện lại.
Xét nghiệm HIV tại nhà bằng nước bọt:
- Lấy sản phẩm ra khỏi bao bì, không chạm tay vào phần phết lấy mẫu.
- Dùng đầu que test phết nướu hàm trên từ trái sang phải 1 lần.
- Đổi đầu phết và phết nướu hàm dưới từ tráng sang phải 1 lần.
- Sau khi hoàn thành lấy mẫu, đặt que test vào ống dung dịch phản ứng.
- Chờ đọc kết quả trong thời gian 15 – 20 phút:
- Có 1 vạch ở C mà không có vạch ở T: kết quả âm tính.
- Xuất hiện cả 2 vạch ở C và T dù có vạch mờ: kết quả dương tính.
- Không có vạch nào xuất hiện hoặc xuất hiện vạch T mà không có vạch C: kết quả bị lỗi, cần thực hiện lại.
Xét nghiệm HIV test nhanh là gì?
Xét nghiệm HIV test nhanh (rapid test) là cách thử nhanh HIV. Bạn chỉ cần 20 phút để xác định kết quả âm hay dương tính.
Xét nghiệm HIV test nhanh có chính xác không?
Xét nghiệm HIV test nhanh có độ tin cậy cao. Tuy nhiên ở giai đoạn cửa sổ có thể dẫn đến sai kết quả. Điều này sẽ dẫn đến âm tính giả cho bệnh nhân. Việc chẩn đoán sai HIV là do việc lựa chọn thiết bị kiểm tra, đọc kết quả và lựa chọn sai phương pháp xét nghiệm…
Xét nghiệm test nhanh HIV sau 6 tuần
Bạn hoàn toàn có thể xét nghiệm nhanh HIV sau 6 tuần phơi nhiễm. Tuy nhiên thời gian này vẫn có thể nằm trong giai đoạn cửa sổ. Nếu kết quả là âm tính, có thể bạn chưa bị lây nhiễm HIV hoặc hàm lượng của virus chưa đủ để kit test có thể phát hiện. Bạn nên thực hiện xét nghiệm vào các mốc thời gian tiếp theo theo hướng dẫn của bác sĩ.
Xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai
Tất cả phụ nữ mang thai nên xét nghiệm HIV. Xét nghiệm máu là sự lựa chọn ưu tiên vì xét nghiệm nước bọt không chính xác bằng xét nghiệm máu. Việc khẳng định sớm kết quả sẽ giúp tối ưu trong chăm sóc và điều trị cho mẹ bầu và thai nhi.
Khám thai có xét nghiệm HIV không?
Phụ nữ mang thai cần được thực hiện xét nghiệm HIV 2 lần như sau:
- Lần đầu trong lần khám thai đầu tiên. Nếu không được xét nghiệm trong lần khám thai đầu tiên cần được thực hiện càng sớm càng tốt sau đó.
- Lần thứ 2 ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ cho những người có yếu tố nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Nếu phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm nghi ngờ thì cần được làm xét nghiệm khẳng định. Phụ nữ đã được xác định nhiễm HIV trước khi mang thai thì không cần phải xét nghiệm lại HIV trong thời gian mang thai, khi chuyển dạ và khi sinh.
Xét nghiệm HIV khẳng định
Còn được gọi là xét nghiệm bổ sung. Đây là phương pháp giúp khẳng định rằng bạn có thật sự nhiễm HIV hay không. Sinh phẩm dùng trong xét nghiệm này cần có yêu cầu cao hơn so với xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm này chỉ được thực hiện bởi các đơn vị được cấp phép bởi Bộ Y Tế.
Khi xét nghiệm sàng lọc kháng thể HIV có kết quả dương tính, người bệnh cần phải làm các xét nghiệm khẳng định.
2 phương pháp được sử dụng để làm xét nghiệm khẳng định là phương pháp huyết thanh học (kháng nguyên/kháng thể) và phương pháp sinh học phân tử (PCR).
Quy trình xét nghiệm HIV
Sau đây là quy trình 4 bước xét nghiệm HIV cho người lớn và trẻ em hơn 18 tháng tuổi:
- Bước 1: Tư vấn và cung cấp thông tin cho người cần thực hiện xét nghiệm.
- Bước 2: Người cần tư vấn xác nhận thực hiện xét nghiệm. Chuyên viên xét nghiệm sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.
- Bước 3: Thực hiện xét nghiệm HIV bao gồm cả xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm khẳng định.
- Bước 4: Nhận kết quả xét nghiệm và tư vấn từ chuyên gia y tế.
Tùy theo phương pháp xét nghiệm mà bạn lựa chọn hay loại xét nghiệm bạn được chỉ định (sàng lọc hay khẳng định) thì chuyên viên xét nghiệm sẽ lấy mẫu khác nhau. Nếu bạn làm xét nghiệm sàng lọc, bạn có thể lấy mẫu nước bọt hoặc mẫu máu. Nhưng nếu bạn làm xét nghiệm khẳng định, chuyên viên xét nghiệm sẽ cần phải lấy máu của bạn cho những thử nghiệm chính xác hơn.
Que xét nghiệm HIV là gì?
Que xét nghiệm HIV hoạt động theo cơ chế gần giống với xét nghiệm phân tích hóa sinh tiêu chuẩn ELISA.
Phần lấy mẫu ở cuối que thử có tác dụng thu nhận kháng nguyên HIV trong mẫu máu. Giữa que thử là các hóa chất tạo phản ứng cho thử nghiệm. Khi máu chạy dọc theo que thử, vượt qua vùng chứa kháng nguyên, kháng thể HIV thì que sẽ đổi màu. Lúc này que thử sẽ cho ra kết quả âm tính hay dương tính.
Cách đọc kết quả xét nghiệm HIV
Kết quả âm tính
Nếu kết quả bạn nhận được là âm tính, tức là hiện tại chưa ghi nhận được sự hiện diện của virus HIV trong cơ thể bạn. Đây còn được gọi là âm tính thực sự.
Tuy nhiên có những trường hợp người bệnh bị nhiễm HIV nhưng kết quả là âm tính. Đây được gọi là âm tính giả. Có thể xảy ra trường hợp này khi:
- Người bệnh đang trong thời gian cửa sổ.
- Sai sót trong quá trình làm xét nghiệm.
Nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm HIV nhưng kết quả nhận được là âm tính, bạn có thể thực hiện lại xét nghiệm sau đó. Nếu sau 6 tháng tính từ lúc phơi nhiễm, xét nghiệm cho kết quả âm tính thì khả năng cao bạn hoàn toàn không bị nhiễm HIV.
Kết quả dương tính
Tương tự như âm tính, bạn cũng có 2 trường hợp là dương tính thật sự và dương tính giả.
Nếu đúng là dương tính thật sự, chứng tỏ bạn đã bị nhiễm HIV. Hãy bình tĩnh thông báo cho bác sĩ để nhận được phương hướng điều trị thích hợp.
Một số ít trường hợp ghi nhận dương tính giả. Nguyên nhân có thể là do:
- Nhầm lẫn trong quá trình xét nghiệm.
- Người làm xét nghiệm đang điều trị xơ gan, suy gan, lao… hoặc dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng nhận diện kháng thể khi xét nghiệm.
Để có một kết quả chính xác, bạn nên thực hiện lại xét nghiệm và nên lựa chọn những cơ sở uy tín cho mình.
Kết quả không xác định
Người làm xét nghiệm có thể sẽ gặp kết quả không xác định, nguyên nhân có thể là do:
- Người làm xét nghiệm đang dùng thuốc ảnh hưởng đến khả năng nhận diện kháng nguyên.
- Người làm xét nghiệm đang ở trong giai đoạn cửa sổ.
- Sai sót trong quá trình làm xét nghiệm.
Nếu bạn gặp phải kết quả này, bác sĩ sẽ xem xét và yêu cầu bạn thực hiện lại xét nghiệm HIV vào một thời gian khác.
Xét nghiệm PCR HIV bao lâu có kết quả?
Với xét nghiệm PCR HIV, bạn có thể cần 12 – 48 giờ để nhận kết quả tính từ lúc hoàn thành xét nghiệm.
Xét nghiệm HIV AB test nhanh có chính xác không?
Xét nghiệm HIV AB test nhanh là một phương pháp mang tính sàng lọc tương đối. Bạn nên thực hiện thêm các xét nghiệm khẳng định nếu nghi ngờ bản thân có khả năng cao bị lây nhiễm.
Xét nghiệm HIV có bị sai kết quả không?
Kết quả xét nghiệm HIV có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề như giai đoạn cửa sổ, sai sót trong kỹ thuật,… nếu bạn nghi ngờ mình có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, hãy thực hiện các xét nghiệm theo các mốc thời gian như sau:
- Lần 1: Xét nghiệm ngay sau khi phát sinh hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV.
- Lần 2: Xét nghiệm sau 1 tháng từ lúc phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ. Đây là thời gian để các kháng thể được sản xuất (nếu có).
- Lần 3: Xét nghiệm sau 3 tháng từ lúc phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ.
- Lần 4: Nếu bạn nghi ngờ kết quả từ lần 3 là không chính xác, hãy xét nghiệm vào tháng thứ 6 tính từ lúc phơi nhiễm. Nếu kết quả là âm tính, khả năng cao bạn không bị nhiễm virus HIV.
Xét nghiệm HIV lấy kết quả ngay được không?
Tùy theo phương pháp xét nghiệm bạn lựa chọn sẽ quyết định thời gian nhận kết quả. Các phương pháp xét nghiệm nhanh (kit test) sẽ cho kết quả sau 15 – 20 phút làm xét nghiệm.
Xét nghiệm HIV 8 tháng âm tính
Có thể nói nếu sau 8 tháng tính từ lúc phơi nhiễm, kết quả xét nghiệm của bạn là âm tính thì khả năng rất cao bạn chưa từng bị lây nhiễm HIV.
Những lưu ý khi xét nghiệm HIV
- Xét nghiệm HIV với thời gian hợp lý giúp tối ưu kết quả xét nghiệm.
- Tắm rửa sạch sẽ trước khi làm xét nghiệm.
- Không cạo/lột các vết loét/sang thương trên cơ thể.
- Không bôi gel hoặc tha thuốc lên vùng bị loét.
- Ăn uống đầy đủ, không cần phải nhịn ăn.
Nguyên tắc tư vấn và xét nghiệm HIV
Trước khi phẫu thuật có xét nghiệm HIV hay không?
HIV là bệnh lý lây nhiễm cực kỳ nguy hiểm. Chính bởi tính chất của bệnh lý nên trước khi thực hiện các ca phẫu thuật bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh xét nghiệm HIV. Nếu trường hợp người bệnh dương tính thì các bác sĩ và ekip trong ca phẫu thuật cần phải chuẩn bị tâm lý cũng như lưu ý về cách phòng chống lây nhiễm.
Trừ trường hợp cần phẫu thuật cấp cứu thì bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm HIV sau phẫu thuật.
Xét nghiệm HIV có cần nhịn ăn không?
Bạn không cần phải nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm HIV.
Xét nghiệm HIV có được hưởng bảo hiểm y tế?
Theo thông tư 27/2018/TT-BYT thì người sử dụng bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ chi trả cho các xét nghiệm HIV trong khám bệnh.
Khám tổng quan có xét nghiệm HIV không?
Trong xét nghiệm máu tổng quan sẽ không bao gồm xét nghiệm HIV.
Đi hiến máu có xét nghiệm HIV không?
Tất cả những đơn vị máu được nhận đều sẽ được kiểm tra nhóm máu, HIV, viêm gan B, giang mai, sốt rét trước khi tiến hành sử dụng.
Xét nghiệm HIV có được giữ bí mật không?
Theo khoản 3, Điều 25 Luật phòng chống HIV/AIDS được Quốc hội ban hành năm 2006 quy định: “Nhân viên xét nghiệm và cơ sở xét nghiệm HIV có trách nhiệm giữ bí mật kết quả xét nghiệm và chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm cho mục đích giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và nghiên cứu khoa học.”
Mổ đẻ có phải xét nghiệm HIV không?
Tùy vào thời gian đã xét nghiệm tầm soát HIV trước đó, bác sĩ sẽ quyết định thai phụ có phải thực hiện xét nghiệm HIV hay không.
Xét nghiệm HIV ở đâu và bao nhiêu tiền?
Việc lựa chọn một địa chỉ uy tín và phù hợp để xét nghiệm HIV là mối quan tâm của nhiều người. Nắm bắt và hiểu rõ những địa chỉ đáng tin cậy sẽ giúp bạn đưa ra sự lựa chọn dễ dàng hơn. Hiểu được điều này, Klept.com.vn đã tổng hợp chi tiết những tiêu chí cũng như các đơn vị xét nghiệm HIV kèm theo giá tiền tham khảo cho bạn qua bài viết Xét nghiệm HIV ở đâu và bao nhiêu tiền. Bạn đọc có thể tham khảo để có những sự lựa chọn phù hợp cho mình nhé!
Trên đây là toàn bộ nội dung về xét nghiệm HIV mà Klept.com.vn đã thông tin tới bạn. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để hiểu rõ các vấn đề của xét nghiệm HIV.