Những người ở vùng nông thôn hoặc ở nước đang phát triển như nước ta có nguy cơ nhiễm giun sán cao. Có nhiều loại giun sán gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì thế, xét nghiệm giun sán được đánh giá cao trong việc phát hiện bệnh. Trong bài viết này, các bạn sẽ cùng tìm hiểu về nguyên nhân nhiễm giun sán, các biểu hiện và cách chẩn bệnh thông qua các xét nghiệm cần thiết.
Giun sán là gì?
Hiện nay, có nhiều loại giun sán ký sinh có thể cư trú ở người. Không phải lúc nào giun sán cũng có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các loại giun sán này có thể được tìm thấy trong nhiều môi trường sống khác nhau:
- Sán dây (giun dẹp). Trứng hoặc ấu trùng sán dây tồn tại trong nước, thịt sống hoặc nấu chưa chín.
- Giun móc, giun đũa là một loại giun lây truyền qua phân và đất bị ô nhiễm. Ấu trùng có thể đâm thủng da. Vì thế, đi chân trên nền đất là yếu tố nguy cơ nhiễm giun.
- Giun kim (giun chỉ): sống ở ruột và trực tràng. Con cái đẻ trứng xung quanh hậu môn, thường vào ban đêm. Trứng có thể tồn tại trên giường, quần áo và các vật dụng cá nhân khác.
Những triệu chứng thường gặp
Không phải lúc nào bạn cũng biết bên trong mình có “một vị khách không mời mà đến” này. Bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc chúng có thể khá nhẹ. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cảnh báo. Các triệu chứng bạn có thể nhận thấy bao gồm: buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, sụt cân, suy nhược.
Những triệu chứng nghiêm trọng hơn mà bạn có thể gặp phải:
- Sán dây có thể gây ra: u hoặc vết sưng dưới da, dị ứng, sốt, các vấn đề thần kinh chẳng hạn như động kinh.
- Giun kim (giun chỉ) đôi khi có thể gây ngứa hậu môn .
- Các triệu chứng khác của giun móc bao gồm: phát ban ngứa, thiếu máu, mệt mỏi.
Quy trình xét nghiệm giun sán
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy nói chuyện với bác sĩ. Các chuyên gia y tế sẽ làm việc với bạn để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn.
Các xét nghiệm chẩn đoán sẽ là cần thiết để xác định nguyên nhân:
Soi phân
Soi phân thường là một chỉ định đầu tay nếu nghi ngờ nhiễm giun sán. Xét nghiệm soi phân bao gồm việc gửi mẫu phân và kiểm tra ký sinh trùng, ấu trùng hoặc trứng. Xét nghiệm này không xâm lấn và thường là xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Bạn có thể tiến hành lấy các mẫu phân tại nhà để thuận tiện cho việc xét nghiệm. Cách lấy mẫu phân như sau:
Đối với người lớn hoặc trẻ lớn:
- Đeo găng tay.
- Lấy một ít mẫu phân của bạn bằng cách sử dụng găng tay cao su hoặc bọc nhựa. Ví dụ, bọc miệng bồn cầu bằng một lớp màng bọc thực phẩm/ni-lông trước khi sử dụng. Bọc này sẽ hứng phân của bạn, giúp bạn dễ dàng lấy phân.
- Sau khi bạn đã lấy mẫu phân, hãy đặt nó vào một hộp sạch và đậy kín để mang đến phòng xét nghiệm.
- Tháo găng tay và rửa tay bằng xà phòng.
Đối với trẻ nhỏ còn mặc tã:
- Đeo găng tay.
- Lấy mẫu phân từ tả hoặc sử dụng tăm bông sạch để lấy mẫu phân tại hậu môn của bé.
- Đảm bảo mẫu phân không bị dính nước tiểu.
- Sau đó, bỏ mẫu phân đã lấy vào lọ đựng sạch.
- Tháo găng tay và rửa tay bằng xà phòng.