Cường giáp là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt là ở nữ giới. Để phòng tránh các biến chứng, việc chẩn đoán và điều trị sớm là vô cùng cần thiết. Do bệnh ít có các triệu chứng lâm sàng điển hình nên những xét nghiệm cường giáp đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán. Hãy cùng Klept.com.vn tìm hiểu về các xét nghiệm này qua bài viết dưới đây.
Khi nào bạn nên xét nghiệm cường giáp?
Tuyến giáp là cơ quan tiết ra hormone giúp điều hòa hoạt động sống của cơ thể. Các hormone T3 và T4 tiết ra từ tuyến giáp có chức năng:
- Tăng hoạt động của tế bào, tăng chuyển hóa glucid, tăng chuyển hóa lipid nên gây giảm cân.
- Tăng nhịp tim, tăng cường hô hấp để cung cấp oxy cho các cơ quan.
- Tăng cường hoạt động của hệ thần kinh và bộ não.
- Duy trì ổn định lượng canxi trong máu.
Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, lượng hormone dư thừa trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây được gọi là tình trạng cường giáp. Người bệnh cường giáp thường có những biểu hiện sau:
- Đổ nhiều mồ hôi, đổ mồ hôi kể cả khi không làm gì và mắc chứng sợ nóng.
- Đại tiện nhiều lần trong ngày, phân thường lỏng.
- Sụt cân nhanh nhưng không rõ nguyên nhân.
- Dễ kiệt sức, mỏi mệt.
- Có hiện tượng run cơ không kiểm soát được, đặc biệt ở bàn tay.
- Nhịp tim nhanh, hồi hộp, có thể bị đánh trống ngực.
- Có thể bị phù ở một số nơi trên cơ thể, đặc biệt là cổ.
- Rối loạn giấc ngủ, giấc ngủ ngắn và không sâu.
Nếu có những triệu chứng cường giáp trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thực hiện các xét nghiệm cường giáp. Theo các bác sĩ, việc xét nghiệm nên được tiến hành càng sớm càng tốt.
Với những người đã có tiền sử bệnh lý về tuyến giáp, bạn nên đi xét nghiệm 6 tháng/lần để tầm soát bệnh.
Các nhóm xét nghiệm cường giáp
Hiện nay, y học có khá nhiều phương pháp xét nghiệm cường giáp để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn những phương pháp được phần đông bác sĩ lựa chọn.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
Đây là phương pháp được ưa chuộng do có hiệu quả cao và dễ thực hiện. Các bác sĩ sẽ lấy máu bệnh nhân để đo nồng độ các hormone T3, T4 và TSH. Dựa trên lượng hormone trong máu, bác sĩ sẽ kết luận được bạn có bị cường giáp hay không.
TSH là một hormone do tuyến yên tiết ra để kiểm soát sự sản xuất hormone của tuyến giáp. Nếu lượng hormone trong máu ít, TSH sẽ tiết ra nhiều hơn để kích thích tuyến giáp hoạt động. Do đó, nếu lượng TSH của bạn quá thấp, bạn có thể đã bị cường giáp.
T3 và T4 là hai hormone chính được tiết ra bởi tuyến giáp. Để chẩn đoán cường giáp, bác sĩ sẽ đo nồng độ T3, FT4 và FTI (là xét nghiệm tìm T4 ở dạng tự do). Người bị cường giáp thường có lượng T3, FT4 và FTI tăng cao.
Khi xét nghiệm tuyến giáp, lượng hormone giáp sẽ được so sánh với mức hormone của người khỏe mạnh. Bệnh nhân cường giáp thường có nồng độ TSH thấp trong khi lượng T3, FT4 và FTI cao. Ở phụ nữ có thai, bác sĩ sẽ dựa vào FT4, FTI và TSH để chẩn đoán.
Xét nghiệm tìm nguyên nhân cường giáp
Nồng độ của các kháng thể như Anti TPO, Anti TG, TRAb sẽ giúp xác định các bệnh lý tự miễn của tuyến giáp. Các kháng thể này thường phát sinh khi hệ miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn thành phần của tuyến giáp với các protein lạ. Do đó, hệ thống này sẽ tấn công tuyến giáp và gây bệnh cường giáp. Khi thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân cường giáp của bạn và có cách điều trị.
Siêu âm tuyến giáp
Nhờ những hình ảnh thu được trên màn hình, bác sĩ sẽ phát hiện được khối u hoặc những bất thường của tuyến giáp. Đây là phương pháp xét nghiệm cường giáp có mức độ tin cậy cao nhất. Trong trường hợp nghi ngờ ung thư tuyến giáp, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết. Bằng cách dùng kim để chọc hút tế bào tuyến giáp, khối u sẽ được xác định là lành tính hay ác tính.
Chụp xạ hình tuyến giáp
Chụp xạ hình tuyến giáp được lựa chọn để tìm các u, bướu hoặc nhân giáp. Sau khi cho bệnh nhân uống một liều nhỏ chất phóng xạ, bác sĩ sẽ thu được những hình ảnh đặc biệt của tuyến giáp. Phương pháp này giúp xác định cấu trúc và đánh giá chức năng của tuyến giáp. Song sau khi chụp xạ hình, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Vị trí tiêm có thể bị sưng đỏ hoặc đau.
- Iod phóng xạ thường được thải ra ngoài qua nước tiểu trong vòng 48 giờ sau khi uống. Do đó, bạn nên uống nhiều nước để hỗ trợ quá trình đào thải diễn ra nhanh hơn.
- Bạn nên hạn chế tiếp xúc với trẻ em hoặc phụ nữ có thai cho đến khi iod phóng xạ được đào thải hết.
- Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ không nên mang thai trong vòng 6 tháng kể từ khi thực hiện xét nghiệm trên.
Những lưu ý trước khi xét nghiệm cường giáp
Để quá trình xét nghiệm có kết quả chính xác, bác sĩ đưa ra những lời khuyên sau đây:
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc quá sức trước ngày xét nghiệm cường giáp.
- Không uống đồ uống có cồn hoặc chất kích thích như rượu, bia, cà phê,…
- Giảm thức ăn có nhiều chất đạm hoặc đồ ngọt trong thực đơn hằng ngày.
- Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng.
- Vị trí chọc hút có thể đau trong 1-2 ngày. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước.
Các chỉ số hormone tuyến giáp bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như thời gian trong ngày, quá trình mang thai, tuổi tác, các bệnh nền đang mắc. Do đó, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ để được tư vấn phương pháp xét nghiệm phù hợp.
Cường giáp là một bệnh lý nguy hiểm do có thể để lại nhiều biến chứng. Để làm giảm mức độ nghiêm trọng, việc chẩn đoán và điều trị cường giáp sớm là rất quan trọng. Do đó, khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu bất thường, bạn nên nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được thực hiện các xét nghiệm cường giáp. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bạn sẽ được tư vấn liệu trình điều trị phù hợp.