Không ít người sau khi nhận kết quả xét nghiệm thì thấy một loạt các chỉ số và kết luận nhưng lại không biết positive là gì? Kết quả này là có bệnh hay bình thường. Trong bài viết dưới đây, Klept.com.vn sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc positive là gì trong xét nghiệm, cũng như tìm hiểu rõ hơn về ý nghĩa của một số xét nghiệm positive. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
Positive là gì trong xét nghiệm?
Positive là từ tiếng Anh, trong tiếng Việt có nghĩa là “dương tính”. Đây là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ kết quả xét nghiệm trong y học. Nếu bạn nhận được kết quả (+) hoặc Positive cho thấy bạn đã bị bệnh hoặc đang mang mầm bệnh trong cơ thể.
Và ngược lại, nếu kết quả xét nghiệm là (-) hoặc Negative, đồng nghĩa với việc bạn âm tính với xét nghiệm, bạn không bị bệnh hoặc không mang mầm bệnh trong người.
Xét nghiệm dương tính là gì? Xét nghiệm dương tính giả là gì?
Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm dương tính
Trong y học, xét nghiệm là hoạt động được diễn ra nhằm mục đích giúp điều tra và phân tích. Quy trình xét nghiệm diễn ra tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn. Và được các bác sĩ, kĩ thuật viên có chuyện môn thực hiện. Mẫu xét nghiệm rất đa dạng. Đó có thể là nước tiểu, máu và nhiều mẫu hữu cơ khác. Kết quả xét nghiệm thu được là cơ sở để hỗ trợ bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác.
Khi làm các xét nghiệm, kết quả trả về là xét nghiệm dương tính (+) hoặc Positive – điều này chứng tỏ bạn đã mắc bệnh/có nguy cơ mắc một bệnh nào đó do mang yếu tố gây bệnh ở bên trong cơ thể.
Khái niệm dương tính hay âm tính được dùng để chỉ kết quả xét nghiệm mang ý nghĩa định tính. Trong một số xét nghiệm, việc chẩn đoán dựa vào sự bất thường của các chỉ số.
Xét nghiệm dương tính giả là gì?
Dương tính giả là trường hợp người đó không thực sự có bệnh, nhưng kết quả xét nghiệm trả về kết quả Dương tính hay Positive.
Trong mọi quy trình đều có những lỗ hổng. Những xét nghiệm có độ chính xác cao cũng chỉ cho ra kết quả đúng đến 99%. Tình trạng dương tính giả và âm tính giả phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm khác để củng cố chẩn đoán.
Một số ví dụ về dương tính giả, âm tính giả như sau:
Xét nghiệm Covid-19
Trong đại dịch vừa qua, bộ kit test nhanh phát hiện virus SARS-CoV-2 được nhiều tỉnh thành trong cả nước áp dụng để sàng lọc nhanh và sớm phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19. Đây là bộ xét nghiệm nhanh tìm kháng thể IgM/IgG có trong máu người bệnh. Tuy nhiên, kết quả test nhanh chưa thể khẳng định có bị mắc Covid-19 hay không. Một số trường hợp test nhanh 3 lần đều cho kết quả dương tính. Nhưng khi xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR thì cho kết quả âm tính.
Một số chuyên gia phân tích về bộ kit và cho rằng đó là dương tính giả. Có thể bệnh nhân đã khỏi bệnh và trong cơ thể tồn tại kháng thể hoặc do chủng Virus SARS-CoV-2 bắt chéo với các chủng virus cùng loại khác và sinh miễn dịch.
Xét nghiệm HIV2
Trong giai đoạn cửa sổ, xét nghiệm HIV sẽ cho kết quả âm tính giả. Lúc này cơ thể đã nhiễm virus, nhưng cơ thể lại chưa kịp tạo ra kháng thể chống lại virus HIV đó.
Một số ít trường hợp cho ra kết quả dương tính giả. Có nghĩa là người xét nghiệm không bị HIV, nhưng kết quả lại là dương tính. Giải thích cho trường hợp này có thể là nhầm lẫn trong quá trình xét nghiệm, người bệnh đang sử dụng các thuốc làm cho xét nghiệm không nhận diện được kháng thể HIV hoặc đang mắc một số bệnh lý.
Xét nghiệm beta HCG
Chỉ số beta-HCG trong máu và trong nước tiểu có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán mang thai sớm. Các phương pháp xét nghiệm liên quan đến chỉ số này cho kết quả chính xác rất cao và được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trường hợp cho kết quả âm tính giả, hoặc dương tính giả vẫn xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nếu thực hiện xét nghiệm quá sớm, cơ thể chưa sản xuất đủ beta-HCG có thể dẫn tới kết quả âm tính giả. Các thuốc như: thuốc lợi tiểu, thuốc kháng dị ứng, thuốc an thần cũng có thể gây ra kết quả âm tính giả.
Nếu trong mẫu xét nghiệm có chứa protein, máu hoặc gonadotropin tuyến yên dư thừa có thể dẫn tới kết quả xét nghiệm dương tính giả.
Qua đó, các bác sĩ, nhân viên y tế cần sàng lọc, khai thác tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc, tư vấn trước xét nghiệm. Cần lưu ý người bệnh đã tuân thủ đúng các quy định trước khi lấy mẫu xét nghiệm hay chưa. Thời điểm lấy mẫu và sức khỏe của bệnh nhân lúc lấy mẫu rất quan trọng. Những yếu tố này đều có thể là nguyên nhân gây ra sai sót kết quả.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần lưu ý lựa chọn những nơi xét nghiệm uy tín, đáng tin cậy. Cơ sở có đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ cao. Chủ động trao đổi với bác sĩ về những quy định trước khi thực hiện xét nghiệm, để tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Giải thích ý nghĩa của một số xét nghiệm dương tính
1. Xét nghiệm máu dương tính là bệnh gì?
Xét nghiệm máu là phương pháp xét nghiệm rất phổ biến hiện nay. Mẫu máu sẽ được đem đi phân tích và đánh giá. Bác sĩ sẽ đưa ra các chẩn đoán về tình trạng sức khỏe của người xét nghiệm thông qua các chỉ số trong kết quả thu được.
Trong một số bệnh, xét nghiệm máu chỉ là xét nghiệm sàng lọc hay hỗ trợ chẩn đoán chứ không phải là xét nghiệm khẳng định. Tức là, nếu kết quả của bạn là dương tính thì chưa chắc bạn đã mắc bệnh. Vẫn có trường hợp dương tính giả xảy ra. Trường hợp này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vì vậy, khi có kết quả xét nghiệm máu dương tính bạn không nên quá lo lắng. Nếu kết quả cho thấy sức khỏe bạn đang có vấn đề, bác sĩ sẽ chẩn đoán, giải thích và có phương pháp điều trị cho bạn hợp lí.
Bạn có thể kiểm tra nhiều lần để đảm bảo có kết quả chính xác nhất. Nếu cần, bạn có thể đến cơ sở khác uy tín hơn xét nghiệm để đối chứng kết quả.
2. Xét nghiệm máu CRP dương tính là gì?
Xét nghiệm CRP đo mức độ protein phản ứng C trong mẫu máu của bạn. CRP là một loại protein do gan tạo ra. Thông thường, lượng CRP trong máu thấp. Gan tiết ra nhiều CRP hơn vào máu nếu bạn bị viêm trong cơ thể. Mức CRP cao có thể có nghĩa là bạn đang có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng gây viêm. Xét nghiệm CRP dương tính cho biết bạn bị viêm trong cơ thể và mức độ. Tuy nhiên không thể cho biết nguyên nhân gây ra viêm hoặc viêm ở vị trí nào.
Xét nghiệm CRP có thể được sử dụng để giúp tìm hoặc theo dõi tình trạng viêm trong các tình trạng cấp tính hoặc mãn tính, bao gồm:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn/vi rút.
- Bệnh rối loạn đường ruột bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng, viêm ruột.
- Rối loạn tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp và viêm mạch.
- Bệnh hô hấp.
Trường hợp dương tính giả có thể xảy ra khi dùng các thuốc điều trị hormone thay thế, thuốc ngừa thai, đặt vòng, gắng sức, có thai, béo phì…
3. Xét nghiệm H. Pylori dương tính
Xét nghiệm H. Pylori giúp kiểm tra người bệnh có nhiễm khuẩn HP không và mức độ nhiễm khuẩn như thế nào. Nếu xét nghiệm H. Pylori dương tính có nghĩa là người bệnh đã nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày và ngược lại.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp xét nghiệm HP với độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau. Tùy vào từng tình trạng và nhu cầu của người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp xét nghiệm phù hợp nhất.
Xét nghiệm máu là phương pháp phổ biến, tuy nhiên phương pháp này có khả năng dương tính giả cao. Nguyên nhân là do vi khuẩn HP không chỉ tồn tại trong dạ dày mà còn ở rất nhiều bộ phận khác như đường ruột, hốc xoang hay khoang miệng,… Mặc khác, với những bệnh nhân đã điều trị khỏi, kháng thế của virus này vẫn tồn tại trong máu.
Khi xét nghiệm HP dương tính, người bệnh không nên quá lo lắng; dựa vào tình trạng hiện tại, bác sĩ sẽ có những phác đồ phù hợp. Đa số các trường hợp đều được chữa khỏi. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống của mình, nghỉ ngơi hợp lí, tránh căng thẳng, stress…
4. Xét nghiệm Rubella IgM và IgG dương tính
Xét nghiệm Rubella (IgM và IgG) được thực hiện ở phụ nữ mang thai chưa tiêm vaccine Sởi – Quai bị – Rubella và chưa từng mắc bệnh Rubella trước khi mang thai. Việc xét nghiệm nên thực hiện xét nghiệm từ tuần thai thứ 7 – 10. Không nên xét nghiệm ở tuổi thai > 16 tuần vì khó giải thích kết quả và khó xử lí vì thai đã lớn.
Nếu kết quả IgM âm tính và IgG dương tính
Trong trường hợp này, bạn đã có kháng thể IgG bảo vệ, tức là đã từng bị nhiễm Rubella trước khi thực hiện xét nghiệm ít nhất là 10 tuần.
- Nếu nồng độ IgG tăng lên sau khi thực hiện xét nghiệm 2 tuần thì chứng tỏ bạn đã bị nhiễm Rubella trước đó, hoặc đã được tiêm phòng.
- Nếu nồng độ IgG thấp thì có thể mắc Rubella. Cần làm xét nghiệm IgM và IgG sau 1 tuần, nếu IgM dương tính và IgG tăng thì bệnh nhân bị Rubella cấp.
Nếu kết quả xét nghiệm IgM dương tính, IgG âm tính
Trong trường hợp này, người bệnh mới bị nhiễm virus Rubella, mới chỉ có kháng thể IgM đáp ứng. Nên làm xét nghiệm IgM và IgG sau 2 tuần tiếp theo.
- Nếu IgM vẫn dương tính, IgG bắt đầu xuất hiện thì chắc chắn thai phụ đã nhiễm Rubella.
- Nếu IgM dương tính, IgG âm tính thì kết quả IgM là không đặc hiệu. Dưới 12 tuần tuổi mà thai phụ có chỉ số IgM dương tính, thì khả năng là thai bị nhiễm hoặc không bị nhiễm. Khả năng di truyền tự mẹ sang con là 80%.
Nếu chỉ số IgM dương tính, IgG dương tính
Trường hợp này ít gặp hơn. Có khả năng dương tính giả do thai phụ mới bị nhiễm siêu vi nào đó. Mẹ cần được theo dõi và xét nghiệm IgM và IgG; sau 2 – 3 lần mà kết quả không thay đổi thì thai phụ có thể hoàn toàn yên tâm.
Nếu IgM âm tính và IgG âm tính
Trường hợp này thì có thể thai phụ chưa từng bị nhiễm Rubella và có nguy cơ sẽ mắc Rubella. Mẹ bầu nên theo dõi thường xuyên. Nên thực hiện xét nghiệm lặp lại sau 2 – 3 tuần.
5. Xét nghiệm nhóm máu Rh dương tính
Chỉ có khoảng 0,04 – 0,07% dân số có nhóm Rh(-) vì vậy đây được coi là nhóm máu hiếm. Trong các trường hợp đặc biệt như phụ nữ mang thai, truyền máu,… Rh(-) là một yếu tố quan trọng cần phải đặc biệt chú ý.
Xét nghiệm nhóm máu Rh dương tính, hay Rh dương có nghĩa là trong cơ thể người có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu và ngược lại.
Xét nghiệm nhóm máu Rh dương tính và âm tính có ý nghĩa rất to lớn trong vấn đề thực hành truyền máu, nhất là trong sản khoa. Nếu mẹ có máu Rh âm nhưng bố có máu Rh dương, thì bào có khả năng sẽ mang nhóm máu Rh dương, lúc này cơ thể mẹ sẽ sinh ra những kháng thể phá hủy hồng cầu của thai nhi.
Người có nhóm máu Rh âm có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh dương nhưng chỉ được nhận máu từ người có cùng nhóm. Nếu người có xét nghiệm máu Rh dương thì có thể nhận máu từ người có Rh dương hoặc Rh âm đều được.
6. Xét nghiệm dương tính cúm A
Cúm A là bệnh lý về nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh này gây ra bởi các virus cúm mùa. Cúm A dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Nếu người bệnh chủ quan và không điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe. Chính vì vậy, xét nghiệm cúm A là phương pháp để chẩn đoán chính xác bệnh lý này.
Có nhiều phương pháp xét nghiệm cúm A như: RT-PCR, xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang, xét nghiệm nhanh RIDTs (dùng trong trường hợp các xét nghiệm khác âm tính)…
Nếu kết quả xét nghiệm cúm A dương tính, tức là bạn đã mắc virus cúm. Các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn, phân loại virus, dựa vào đó sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp. Trong một vài trường hợp, các triệu chứng có thể tự khỏi. Người bệnh cần chú ý chế độ ăn uống, giữ gìn vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, bạn có thể dự phòng cúm bằng cách tiêm vaccine định kì hằng năm.
7. Xét nghiệm viêm gan B dương tính
Viêm gan B là tình trạng viêm nhiễm, bệnh gây ra bởi virus viêm gan B. Xét nghiệm HBsAg dương tính (+) cho thấy trong người bệnh đang có kháng nguyên này. Điều này có nghĩa người này đã từng hoặc đang bị nhiễm virus viêm gan B.
Chỉ có khoảng 10 – 15% người xét nghiệm (+) rơi vào trường hợp mang mầm bệnh mãn tính. Trong đa số trường hợp khác, viêm gan B sẽ tự khỏi, không cần điều trị đáng kể. Trong số những người mang mầm bệnh viêm gan B mạn tính cũng chỉ có số ít chuyển thành xơ gan, viêm gan mạn hoặc ung thư gan. Vì vậy, người bệnh không nên quá lo lắng. Việc có cần điều trị hay không tùy trường hợp cụ thể.
Vẫn có trường hợp dương tính giả xảy ra. Có nghĩa là không có sự xuất hiện của virus viêm gan B trong máu bệnh nhân nhưng kết quả vẫn dương tính.
Để tránh lây nhiễm cho người xung quanh, người nhiễm viêm gan B cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh và không sử dụng chung vật dụng cá nhân. Khi trong gia đình có người kết quả xét nghiệm viêm gan B dương tính thì các thành viên trong gia đình cũng nên đến các trung tâm y tế để thực hiện xét nghiệm. Nên tiêm ngừa viêm gan B khi chưa bị nhiễm hoặc khi bị nhiễm viêm gan B nhưng chưa có kháng thể. Nếu đã có kháng thể rồi thì không cần tiêm ngừa nữa.
8. Xét nghiệm dương tính ma tuý
Xét nghiệm ma túy giúp nhận biết và đánh giá tình trạng sử dụng các chất gây nghiện hay ma túy.
Một số phương pháp phổ biến được sử dụng để xét nghiệm ma túy như: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm nước bọt, xét nghiệm tóc. Trong đó, xét nghiệm nước tiểu được áp dụng nhiều nhất.
Tuy nhiên, xét nghiệm thông qua nước tiểu vẫn có thể xảy ra sai sót trong trường hợp người xét nghiệm có sử dụng các loại thuốc như thuốc có chứa riboflavin, creatinine… hoặc mẫu nước tiểu bị pha loãng hay pha phụ gia như amoniac, xà phòng,… Do đó, trước khi làm xét nghiệm, người bệnh nên thông báo trước với bác sĩ để nhận được sự tư vấn tốt nhất.
9. Xét nghiệm sốt xuất huyết dương tính
Xét nghiệm sốt xuất huyết được sử dụng để tìm xem bạn có bị nhiễm virus sốt xuất huyết không. Xét nghiệm sốt xuất huyết dương tính có nghĩa là bạn có thể đã bị nhiễm virus sốt xuất huyết.
Không có thuốc trị sốt xuất huyết, nhưng bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước để tránh mất nước. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau không kê đơn với acetaminophen (tylenol), để giúp giảm đau nhức cơ thể và hạ sốt. Chống chỉ định với ibuprofen và aspirin.
Xét nghiệm Dengue NS1 Antigen là xét nghiệm giúp phát hiện kháng nguyên của virus gây nên bệnh sốt xuất huyết Dengue có trong máu. Nếu kết quả xét nghiệm Dengue NS1 Antigen dương tính chứng tỏ người bệnh đang bị nhiễm virus trong cơ thể.
Xét nghiệm Dengue NS1 AG có thể xảy ra tình trạng dương tính giả do nhiễm virus mang một số chủng khác. Tuy nhiên, tình trạng dương tính giả chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (< 2%). Vì vậy khi chẩn đoán, các bác sĩ sẽ dựa thêm vào các dấu hiệu lâm sàng, hoặc chỉ định người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm khác nếu cần thiết.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính và có các triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân có thể phải nhập viện để điều trị. Điều trị có thể bao gồm truyền dịch qua đường tĩnh mạch (IV), truyền máu nếu bạn bị mất nhiều máu và theo dõi huyết áp.
10. Xét nghiệm HIV dương tính
HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở người) là một loại virus tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hiện không có cách chữa trị hiệu quả.
Nếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính, nhân viên y tế sẽ tiến hành xét nghiệm lần 2, thường là trên cùng một mẫu máu với lần xét nghiệm đầu tiên. Nếu kết quả tiếp theo cũng cho kết quả dương tính, điều đó có nghĩa là bạn đã bị nhiễm HIV.
Một số ít trường hợp cho kết quả dương tính giả. Nghĩa là không bị nhiễm HIV nhưng kết quả trả về lại là dương tính. Nguyên nhân:
- Do việc quá trình xét nghiệm bị nhầm lẫn.
- Do người làm xét nghiệm đang mắc các bệnh như lao, xơ gan, suy gan… hoặc đang dùng một số loại thuốc ảnh hưởng tới khả năng nhận diện kháng thể khi xét nghiệm.
- Những kháng nguyên, kháng thể có cấu trúc tương tự như virus HIV cũng có thể khiến kết quả dương tính.
Hiện nay, có khá nhiều phương pháp để xét nghiệm HIV. Trong đó, xét nghiệm combo 28 ngày được đánh giá là phương pháp có độ đặc hiệu và độ nhạy khá cao. Có thể nhanh chóng phát hiện ra tình trạng nhiễm HIV của người bệnh; từ đó có các phương án điều trị kịp thời. Nếu xét nghiệm combo 28 ngày dương tính thì thường là khả năng mắc bệnh là rất cao.
Khi nhận kết quả dương tính với HIV, người bệnh:
- Không nên quá lo lắng và đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị sớm nhất.
- Dùng thuốc điều trị HIV đúng cách, đều đặn.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh lây bệnh cho bạn tình và bảo vệ bản thân khỏi những bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Khi bị nhiễm HIV, nguy cơ nhiễm cùng các bệnh lý lây qua đường tình dục tăng lên. Vì vậy nên thường xuyên kiểm tra để được điều trị kịp thời nếu mắc phải.
11. Xét nghiệm ASLO dương tính là gì?
Xét nghiệm ASLO là xét nghiệm đo lượng antistreptolysin O (Kháng thể liên cầu) có trong máu người bệnh. Nếu kết quả xét nghiệm ASLO dương tính thì có khả năng người bệnh bị nhiễm trùng gần đây.
Tùy tình trạng bệnh (biểu hiện lâm sàng tổn thương hô hấp hay có biến chứng khớp, tim, thận) bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thuốc thích hợp.
12. Xét nghiệm Chlamydia dương tính
Xét nghiệm Chlamydia để tìm vi khuẩn gây nhiễm trùng (Chlamydia trachomatis). Nếu kết quả xét nghiệm Chlamydia dương tính tức là bệnh nhân đã bị nhiễm Chlamydia và sẽ cần điều trị.
Nếu không được điều trị sẽ có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Trong khi chờ đợi kết quả và trong thời gian điều trị, hãy tránh quan hệ tình dục. Chờ cho đến khi bác sĩ nói rằng có thể an toàn để quan hệ tình dục trở lại. Đảm bảo sử dụng bao cao su và quan hệ tình dục an toàn để tránh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
13. Xét nghiệm Toxocara canis dương tính
Xét nghiệm Toxocara canis là xét nghiệm tìm ấu trùng sán chó. Nếu xét nghiệm Toxocara canis dương tính (Positive) thì có nghĩa là trong máu của người làm xét nghiệm có tồn tại kháng thể của ấu trùng sán chó.
Trường hợp này, bác sĩ cần kết hợp với những biểu hiện lâm sàng như có vấn đề về mắt, bệnh nhân nổi mề đay kéo dài, huyết thanh chẩn đoán toxocara (+),… kèm theo đó là kết quả xét nghiệm công thức máu có bạch cầu ái toan cao hơn giá trị bình thường thì lúc này mới nghĩ đến khả năng bệnh nhân thực sự bị nhiễm sán chó và cần điều trị.
Bệnh sán chó có thể được điều trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm. Đồng thời, người bệnh cần tuân theo phác đồ của bác sĩ để đạt được hiệu quả cao nhất. Sau đó, bệnh nhân cần duy trì thói quen đảm bảo vệ sinh sạch sẽ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
14. Xét nghiệm Quantiferon dương tính
Xét nghiệm tầm soát lao Quantiferon thực hiện phân tích trên mẫu máu của bệnh nhân.
Nếu kết quả xét nghiệm Quantiferon dương tính, người đó có thể đã nhiễm khuẩn lao và cần phải khám chuyên khoa; cũng như thực hiện các xét nghiệm để xác định xem bị mắc lao ẩn hay bị bệnh lao. Để chẩn đoán chính xác hơn, bên cạnh xét nghiệm Quantiferon, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm khác như: xét nghiệm 3 mẫu đờm tìm AFB, PCR đờm/dịch tìm lao, nuôi cấy tìm lao,…
Các liệu pháp điều trị hiện nay phần lớn giúp bệnh nhân lao phục hồi hoàn toàn được. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị cần đặc biệt lưu ý đến phòng ngừa truyền nhiễm sang cộng đồng. Với người nhiễm lao tiềm ẩn, có thể cần điều trị phòng ngừa, tránh phát triển thành bệnh lao.
15. Xét nghiệm PSA dương tính
Xét nghiệm PSA là xét nghiệm định lượng PSA – một loại glycoprotein có mặt trong cả các mô bình thường và mô khối u ung thư tuyến tiền liệt.
Khi kết quả xét nghiệm PSA dương tính nguy cơ cao (PSA > 10 ng/ml), bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi, chẩn đoán thêm hoặc sinh thiết. Đặc biệt các trường hợp PSA > 30 ng/ml, khi đó, ung thư đã tiến triển tới giai đoạn nặng cần điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm PSA có thể dương tính giả do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: nhiễm trùng, mới, quan hệ tình dục gần đây,… Nên khi kết quả xét nghiệm bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm hay chẩn đoán khác để khẳng định kết quả.
Khi xét nghiệm PSA dương tính, bệnh nhân không nên quá lo lắng, hãy trao đổi với bác sĩ để nắm được tình trạng sức khỏe, các vấn đề liên quan đến chỉ số PSA bất thường. Có thể thực hiện xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sĩ để xác định bạn có thực sự bị ung thư hay không. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị, luôn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng phương pháp điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
16. Xét nghiệm HPV dương tính là sao?
Xét nghiệm HPV là phương pháp được áp dụng với các chị em phụ nữ đã quan hệ tình dục nhằm phát hiện sự hiện diện của Human Papillomavirus. Một loại virus gây ung thư cổ tử cung, sùi mào gà, mụn cóc sinh dục,…
Kết quả xét nghiệm HPV dương tính thì điều đó có nghĩa là cơ thể có sự hiện diện của virus HPV. Điều này chỉ nói lên được rằng cơ thể đã bị nhiễm virus chứ không có tác dụng khẳng định bệnh. Bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh biết đã dương tính với virus type nào, hoặc chỉ định làm thêm xét nghiệm để khẳng định dương tính với type nào (nếu phương pháp xét nghiệm chưa xác định được type HPV).
Người bệnh cần phải thực sự bình tĩnh và nghe theo những tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, thực hiện các kiểm tra chuyên sâu nhằm đánh giá chính xác nhất tình hình sức khỏe bản thân.
17. Xét nghiệm CLO test dương tính là gì?
Xét nghiệm Campylobacter-Like Organism (CLO test) để chẩn đoán xem bệnh nhân có bị nhiễm Helicobacter pylori (H. pylori) hay không. Nhưng nhiễm HP không có nghĩa là chắc chắc bạn bị viêm loét dạ dày hay bị ung thư dạ dày. Có nhiều loại virus HP sẽ không viêm cho con người, chỉ có một số ít gây viêm loét dạ dày tá tràng, và một lượng rất ít loại HP gây ung thư dạ dày tá tràng.
Xét CLO test dương tính chứng tỏ có sự xuất hiện và hoạt động của vi khuẩn H. Pylori trong môi trường dạ dày.
Trong vài trường hợp, xét nghiệm CLO test có thể cho kết quả dương tính giả. Bản chất xét nghiệm viêm dạ dày CLO test chỉ chứng tỏ rằng trong dạ dày bệnh nhân có chứa men urease – loại men vi khuẩn H. Pylori tiết ra khi tồn tại trong dạ dày. Trên thực tế, một số vi khuẩn khác tồn tại ở khoang tiêu hóa cũng có khả năng tiết men urease như H. Pylori gây kết quả dương tính giả. Bởi vậy, xét nghiệm CLO test cần được thực hiện cùng với các phương pháp khác để đánh giá lại.
Trong trường hợp cần được điều trị bằng thuốc, bạn cần:
- Tuân thủ theo phác đồ điều trị HP và viêm dạ dày.
- Không tự ý ngưng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Ăn uống hợp vệ sinh, hạn chế thực phẩm cứng, khó tiêu, không tốt cho dạ dày.
Cần lưu ý gì sau khi biết kết quả xét nghiệm dương tính?
Sau khi đã tìm hiểu hiểu positive là gì trong xét nghiệm, khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính, bệnh nhân không nên quá lo lắng. Trong một số xét nghiệm, kết quả dương tính được xem là kết quả khẳng định. Đôi lúc, kết quả xét nghiệm cũng có là dương tính giả.
Để kết luận bạn có thật sự đã mắc bệnh hay không, bác sĩ còn kiểm tra dịch tể, theo dõi, đánh giá các triệu chứng. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm các xét nghiệm khác, hoặc thực hiện xét nghiệm lặp lại sau một thời gian theo dõi để kết luận chẩn đoán.
Do đó, cần bình tĩnh và chủ động đặt câu hỏi để làm rõ hơn về các chỉ số có trong xét nghiệm. Đối với các trường hợp xét nghiệm âm tính, bạn không nên chủ quan. Nên kiểm tra sức khỏe định kì hoặc khi có các triệu chứng bất thường.
Hy vọng với những thông tin trên, đã giúp người đọc hiểu hơn về positive là gì trong xét nghiệm và ý nghĩa của một số xét nghiệm dương tính. Nếu có các triệu chứng cơ thể bất thường, đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.