Sắt là một chất quan trọng với cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, việc thừa hay thiếu sắt cũng gây ra những bệnh lý liên quan. Thông thường, để biết cơ thể thừa hay thiếu sắt, xét nghiệm Ferritin sẽ được chỉ định. Vậy, xét nghiệm Ferritin là gì? Quy trình xét nghiệm ra sao? Cần lưu ý khi thực hiện xét nghiệm Ferritin. Những vấn đề về xét nghiệm Ferritin sẽ được giải cấp trong bài viết sau đây của Klept.com.vn.
Ferritin là gì?
Ferritin là một loại protein, có nhiệm vụ lưu trữ sắt bên trong tế bào.
Cơ thể chúng ta cần sắt để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Sắt cũng rất quan trọng đối với sức khỏe cơ bắp, tủy xương và chức năng của các cơ quan.
Sắt được cơ thể dự trữ trong Ferritin cho mục đích sử dụng sau này. Thường là ở gan và các tế bào trong hệ thống miễn dịch.
Khi cơ thể cần sử dụng sắt, các tế bào sẽ giải phóng một lượng nhỏ Ferritin vào máu. Do đó, lượng Ferritin sẽ phản ánh lượng sắt dự trữ trong cơ.
Xét nghiệm Ferritin là gì?
Xét nghiệm Ferritin là một xét nghiệm máu nhằm đo mức độ Ferritin có trong máu.2
Do Ferritin là protein lưu trữ sắt, nên khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân đang thiếu hoặc thừa sắt, họ có thể chỉ định xét nghiệm Ferritin. Phương pháp này đo lượng sắt được dự trữ trong cơ thể. Từ đó, bác sĩ có thể nhận định một cách tổng thể về mức độ sắt trong cơ thể.
Xét nghiệm Ferritin trong máu còn được gọi là xét nghiệm Ferritin huyết thanh.2
Những ai cần thực hiện xét nghiệm Ferritin?
Đối tượng xét nghiệm Ferritin thường là những người có nguy cơ thiếu sắt cao. Bao gồm:
- Người thiếu cân.
- Những phụ nữ bị chảy máu kinh nguyệt nặng khi sinh.
- Trong thai kỳ, thai phụ cũng có nguy cơ thiếu sắt cao. Vì thế, phụ nữ cũng có thể xét nghiệm Ferritin khi mang thai.
- Người có vấn đề trong việc hấp thụ thức ăn. Ví dụ như bệnh nhân mắc chứng viêm ruột, những người đã từng làm các phẫu thuật đường tiêu hóa.
Cũng cần xét nghiệm định lượng Ferritin với:
- Người mắc hội chứng chân không yên.
- Người bị bệnh gan.
- Người có kết quả xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) cho thấy nồng độ huyết sắc tố hoặc hematocrit thấp.
Đặc biệt, những ai có các triệu chứng báo hiệu nồng độ sắt quá thấp hoặc quá cao cần thực hiện xét nghiệm Ferritin. Cụ thể, mức độ sắt quá thấp thường có các dấu hiệu: 2
- Da nhợt nhạt.
- Khó thở.
- Cảm thấy yếu ớt, hoặc mệt mỏi.
- Chóng mặt.
- Chứng loạn nhịp tim.
Trong khi đó, mức độ sắt quá cao sẽ gây ra: 2
- Đau khớp, thường ở đau khớp gối hoặc khớp bàn tay.
- Không có hứng thú với sinh hoạt tình dục hoặc rối loạn cương dương (ED)
- Sụt cân không rõ lý do.
- Đau bụng.
- Màu da bị thay đổi, có thể trở nên xám, màu kim loại hoặc màu đồng.
- Yếu ớt, mệt mỏi, không có năng lượng.
- Rụng lông trên cơ thể.
Mục đích của xét nghiệm Ferritin
Mục đích của xét nghiệm Ferritin là xác định lượng sắt trong cơ thể có ở mức bình thường không. Bác sẽ thường dùng xét nghiệm Ferritin cho mục đích sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi bệnh lý.
Bác sĩ sẽ kết hợp xét nghiệm này với các xét nghiệm máu khác như một công cụ sàng lọc để tìm ra tình trạng sắt thấp trước khi các triệu chứng phát triển.
Đối với mục đích chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm Ferritin nếu nghi ngờ mức độ sắt trong cơ thể bệnh nhân không bình thường. Việc có quá ít hoặc quá nhiều sắt trong cơ thể sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe.
Cụ thể, xét nghiệm Ferritin giúp chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý liên quan đến sắt sau đây:2
- Hemochromatosis. Bệnh này xảy ra khi cơ thể quá tải sắt.
- Thiếu máu thiếu sắt.
- Bệnh gan. Phần lớn Ferritin được lưu trữ trong gan.
- Hội chứng chân không yên. Hội chứng này gây cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát ở chân. Nguyên nhân có thể do thiếu sắt.
- Bệnh Still ở người lớn (còn gọi là bệnh Still khởi phát ở người lớn hoặc AOSD), một bệnh lý hiếm gặp thường xảy ra do mức Ferritin cao. Nó gây đau khớp, sốt và phát ban.
Với mục đích theo dõi, bác sĩ sẽ dùng kết quả xét nghiệm Ferritin để theo dõi mức độ Ferritin ở bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt và đang được điều trị bổ sung sắt. Việc xét nghiệm mức độ Ferritin cùng các chất khác trong máu giúp bác sĩ nhận định được sự hiểu quả của liệu pháp điều trị và có thể cân nhắc việc cho bệnh nhân ngừng điều trị khi nào.
Ngoài ra, xét nghiệm Ferritin còn có mục đích theo dõi các tình trạng mãn tính có thể ảnh hưởng đến mức độ sắt. Chẳng hạn như ung thư, bệnh gan, bệnh thận và các bệnh tự miễn dịch.2
Khi nào thực hiện xét nghiệm Ferritin là tốt nhất?
Bạn đọc nên thực hiện xét nghiệm Ferritin ngay khi có các triệu chứng báo hiệu nồng độ sắt cao hoặc thấp nêu trên. Bạn cũng nên thực hiện xét nghiệm này theo chỉ định của bác sĩ cho mục đích sàng lọc, chẩn đoán, theo dõi bệnh. Việc làm xét nghiệm Ferritin kịp thời sẽ giúp chẩn đoán, tầm soát sớm các bệnh lý nguy hiểm cho cơ thể.
Quy trình xét nghiệm Ferritin
Quy trình xét nghiệm Ferritin diễn ra như một xét nghiệm máu thông thường. Nếu bạn thực hiện xét nghiệm Ferritin, bước sẽ lần lượt như sau:
- Bác sĩ/kỹ thuật viên sẽ kiểm tra cánh tay của bạn để tìm tĩnh mạch. Họ có thể buộc một dải thun garo trên cánh tay để tạo áp lực, nhằm tăng lưu lượng máu trong tĩnh mạch.
- Sau khi xác định được tĩnh mạch, họ sẽ vệ sinh, khử trùng vị trí đó.
- Sau đó, bác sĩ/kỹ thuật viên sẽ đâm một kim nhỏ vào tĩnh mạch của bạn, lượng máu nhỏ sẽ chảy ra và được thu thâp vào ống nghiệm.
- Sau khi đã lấy đủ máu, kỹ thuật viên sẽ rút kim ra. Bông gòn hoặc gạc sẽ được ấn lên vị trí đâm kim để cầm máu.
- Bạn cũng có thể được băng lại tại vị trí kim đâm.
Toàn bộ quy trình này thường kéo dài khoảng 5 phút.
Sau khi lấy máu, bạn có thể quay lại các hoạt động bình thường ngay. Lúc này, bạn đã có thể ăn nếu được yêu cầu nhịn ăn trước đó.
Cách đọc kết quả xét nghiệm Ferritin
Giải thích kết quả Ferritin trong máu bạn
Kết quả xét nghiệm Ferritin có thể khác nhau và phụ thuộc vào các yếu tố độ tuổi, giới tính, tiền sử sức khỏe,…
Nồng độ Ferritin được tính bằng nanogam trên mililit (ng/mL). Phạm vi bình thường của Ferritin trong huyết thanh thường tương ứng với các đối tượng như sau:
Đối tượng | Mức độ Ferritin (ng/mL) |
Nam giới trưởng thành | 24 – 336 |
Phụ nữ trưởng thành | 24 – 307 |
Trẻ sơ sinh | 25 – 200 |
Trẻ 1 tháng tuổi | 200 – 600 |
Trẻ từ 2 đến 5 tháng tuổi | 50 – 200 |
Trẻ từ 6 tháng đến 15 tuổi | 7 – 140 |
Bạn đọc lưu ý, đôi khi các đơn vị xét nghiệm khác nhau sẽ có ngưỡng Ferritin bình thường khác nhau. Khi có được kết quả, bạn nên nghe tư vấn của bác sĩ về tình trạng cụ thể của mình.
Nguyên nhân gây giảm Ferritin
Nếu xét nghiệm Ferritin cho kết quả thấp hơn bình thường, bạn có thể có các vấn đề sau:
- Thiếu máu do thiếu sắt. Đây là một loại thiếu máu phổ biến, xảy ra khi cơ thể không tạo đủ tế bào hồng cầu. Nếu không điều trị, thiếu máu thiếu sắt có thể dẫn đến các vấn đề về tim, nhiễm trùng, chậm tăng trưởng và phát triển trí não ở trẻ em cũng như các vấn đề sức khỏe khác.2
- Mất máu, thông thường là trong đường tiêu hóa.
- Cơ thể đang không hấp thụ sắt đúng cách từ chế độ ăn uống.
Nguyên nhân tăng cao Ferritin
Bệnh hemochromatosis có thể là nguyên nhân làm mức độ Ferritin tăng cao. Đây là bệnh lý xảy ra khi cơ thể dự trữ quá nhiều sắt.
Kết quả xét nghiệm Ferritin cao cũng có thể là do những vấn đề sức khỏe hoặc các yếu tố khác. Có thể kể đến:
- Viêm, nhiễm trùng cơ bản.
- Viêm khớp dạng thấp.
- Rối loạn sử dụng rượu.
- Các bệnh mãn tính, ví dụ: bệnh tự miễn dịch và bệnh tiểu đường.
- Ung thư, chẳng hạn như ung thư máu (ung thư hạch Hodkin, bệnh bạch cầu).
- Béo phì.
- Cường giáp.
- Bệnh Still khởi phát ở người lớn.
- Bệnh gan: xơ gan, viêm gan C mãn tính,…
- Lá lách, tủy xương hoặc gan bị tổn thương.
- Ngộ độc sắt.
- Người truyền máu thường xuyên.
- Hội chứng chân không yên.
Tuy nhiên, cần lưu ý, kết quả Ferritin không bình thường không nhất thiết là đã mắc một bệnh lý nào. Một số loại thuốc có thể làm giảm hoặc tăng mức Ferritin. Vì thế, khi có kết quả, hãy hỏi bác sĩ về tình trạng cụ thể của mình.2
Bên cạnh đó, nếu kết quả xét nghiệm Ferritin ngoài phạm vi bình thường, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác bổ sung để so sánh. Những thử nghiệm này bao gồm:
- Sắt huyết thanh. Bác sĩ có thể kết hợp kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh và ferritin để chẩn đoán chính xác hơn.
- Tổng khả năng liên kết sắt (TIBC).
- Độ bão hòa transferrin.
Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm Ferritin?
Nếu mẫu máu đã thu thập chỉ được sử dụng cho xét nghiệm Ferritin, bạn có thể không cần nhịn ăn. Nhưng nếu mẫu thử được dùng cho trong nhiều xét nghiệm khác, bác sĩ có thể yêu cầu nhịn ăn trước xét nghiệm.6 Vì thế, hãy hỏi kỹ bác sĩ hoặc kỹ thuật viên về những xét nghiệm sẽ làm và các lưu ý cần thiết.
Xét nghiệm Ferritin có rất ít rủi ro. Vị trí đâm kim có thể bị đau hoặc bầm tím nhẹ. Tuy nhiên, phản ứng này thường sẽ nhanh chóng kết thúc.
Xét nghiệm Ferritin ở đâu? Giá xét nghiệm Ferritin là bao nhiêu?
Hiện nay, dịch vụ xét nghiệm Ferritin có mặt trên nhiều cơ sở y tế như bệnh viện, phòng khám, trung tâm xét nghiệm trên cả nước. Tuy nhiên, để đảm bảo sự an toàn và độ chính xác của xét nghiệm, bạn đọc nên đến những đơn vị xét nghiệm uy tín.
Trong bài viết Xét nghiệm Ferritin bao nhiêu tiền và ở đâu?, Klept.com.vn đã nêu những tiêu chí xem xét sự uy tín của một cơ sở xét nghiệm. Đồng thời, bài viết này cũng thống kê một số cơ sở thực hiện xét nghiệm Ferritin kèm theo mức giá tham khảo. Bạn đọc có thể tìm hiểu để nắm thêm thông tin nhé!
Hy vọng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về xét nghiệm Ferritin. Sắt quan trọng với cơ thể, nhưng thiếu hoặc thừa sắt có thể gây ra các bệnh lý nghiêm trọng. Vì thế, khi có những dấu hiệu của thiếu hoặc thừa sắt, bạn đọc và gia đình nên thực hiện xét nghiệm sắt và Ferritin tại các đơn vị uy tín nhé!