Xét nghiệm D-Dimer góp phần giúp bác sĩ xác định sự có mặt của cục máu đông trong cơ thể. Đây là xét nghiệm máu đơn giản nhưng cần thiết vì cục máu đông có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Bài viết dưới đây của Klept.com.vn sẽ cung cấp cho bạn thông tin cơ bản về xét nghiệm D-Dimer.
Xét nghiệm D-Dimer là gì?
Xét nghiệm D-Dimer giúp bác sĩ xác định xem bạn có bị đông máu hay không. Đông máu là tình trạng bình thường của cơ thể, nó giúp chúng ta không bị mất nhiều máu khi có các tổn thương. Nhưng ở một số người, cục máu đông vẫn hình thành mặc dù cơ thể không bị thương, hoặc hình thành nhưng không vỡ ra khi cần. Đây chính là biểu hiện của sự rối loạn đông máu. Nếu chúng ta không phát hiện và giải quyết kịp thời thì tình trạng sẽ trở nên nguy hiểm và đe dọa tính mạng.
D-Dimer là một đoạn protein mà cơ thể tạo ra khi cục máu đông hòa tan trong cơ thể. D-Dimer thường không thể phát hiện hoặc chỉ phát hiện ở mức độ rất thấp trừ khi cơ thể bạn đang có lượng lớn cục máu đông được hình thành và phá vỡ. Xét nghiệm D-Dimer chỉ giúp bác sĩ phát hiện cơ thể bạn có cục máu đông hay không; chứ không thể hiện chính xác tình trạng của cục máu đông hay vị trí của nó.
Các kỹ thuật xét nghiệm D-dimer
Có 2 kỹ thuật xét nghiệm định lượng D-dimer đang được áp dụng hiện nay:
Xét nghiệm D-dimer ngưng tập trên Latex
Xét nghiệm kỹ thuật này có độ nhạy thấp. Xét chỉ phát hiện khi có nhiều cục đông hình thành. Nếu chỉ có một cục máu đông thì kết quả vẫn âm tính. Do đó, phương pháp này dùng để chẩn đoán tình trạng đông máu rải rác trong lòng mạch.
Xét nghiệm D-dimer siêu nhạy
Xét nghiệm này tiến hành bằng kĩ thuật ELISA hoặc đo độ đục miễn dịch để xác định nồng độ D-dimer. So với phương pháp trên thì xét nghiệm này có độ nhạy rất cao, dù chỉ có 1 cục đông nhỏ thì vẫn cho kết quả dương tính.
Khi nào cần thực hiện xét nghiệm D-Dimer?
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn xét nghiệm D-Dimer nếu bạn có các triệu chứng của tình trạng đông máu, bao gồm: huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc động mạch phổi, đông máu nội mạch lan tỏa, đột quỵ. Mỗi một vấn đề này sẽ có các biểu hiện đặc trưng và bạn có thể tự quan sát được.
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Những cục máu động loại này thường hình thành tại chân hoặc tay của bạn. Không phải tất cả người bị huyết khối tĩnh mạch sâu đều có triệu chứng, nhưng các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sưng chân hoặc cánh tay, đôi khi sưng đột ngột.
- Đau chân hoăc yếu chân. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh đứng lên.
- Cảm giác ấm nóng tại vùng chân hoặc cánh tay bị sưng, đau.
- Da đỏ hoặc đổi màu.
- Các tĩnh mạch gần bề mặt da lớn hơn bình thường.
Thuyên tắc phổi
Các triệu chứng của bệnh thuyên tắc phổi bao gồm:
- Khó thở đột ngột hoặc thở nhanh.
- Cảm giác đau nhói ở ngực và thường xảy ra khi bạn ho hoặc di chuyển.
- Đau lưng.
- Ho (Đôi khi khạc ra máu hoặc có đờm).
- Đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường.
- Tim đập nhanh.
- Cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Đông máu nội mạch lan tỏa
Người bị đông máu nội mạch lan tỏa sẽ có các triệu chứng như:
- Chảy máu nướu.
- Buồn nôn, nôn.
- Đi tiểu ít hơn bình thường.
Đột quỵ
Thông thường, đột quỵ diễn ra rất nhanh chóng và người bệnh dễ gặp nguy hiểm tính mạng. Người nhà cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhanh chóng dựa vào các quan sát nhanh. Bạn có thể tham khảo các dấu hiệu đột quỵ sau đây:
- Tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt điều này chỉ xảy ra đột ngột và chỉ ở một bên cơ thể.
- Nhầm lẫn, khó nói và lú lẫn, không hiểu ý của người khác.
- Đột ngột khó nhìn ở một bên hoặc cả hai bên mắt.
- Bất ngờ đi lại khó khăn.
- Chóng mặt, mất thăng bằng một cách đột ngột, bất thường.
- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, những người có nguy cơ cao bị cục máu đông cũng cần làm xét nghiệm D-Dimer:2
- Bạn mắc hội chứng kháng phospholipid – một bệnh trong hệ thống miễn dịch.
- Gia đình có tiền sử bị cục máu đông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
- Thực hiện các phẫu thuật lớn, ví dụ như thay thế đầu gối.
- Chấn thương nặng như gãy chân.
- Ngồi hoặc nằm trong thời gian dài như người nằm viện, đi máy bay, đi xe đường dài.
- Phụ nữ mang thai hoặc vừa sinh con.
- Mắc một số bệnh ung thư.
Quy trình xét nghiệm D-Dimer
Trước khi xét nghiệm D-Dimer, bạn không cần chuẩn bị hay nhịn ăn uống. Xét nghiệm này có quy trình tương đương các xét nghiệm máu khác. Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên y tế sẽ sử dụng một cây kim tiêm nhỏ để lấy mẫu máu nhỏ. Bạn có thể cảm thấy đau nhức hay châm chích ở vị trí lấy máu. Mẫu máu được cho vào ống nghiệm chuyên dụng và đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích.2
Kết quả xét nghiệm D-Dimer
Kết quả D-Dimer bình thường hay âm tính
Kết quả D-Dimer bình thường hay âm tính (mức D-Dimer nằm dưới ngưỡng giới hạn được xác định trước) có nghĩa là bạn không bị bệnh nào gây ra sự hình thành và phá vỡ cục máu đông.
Nồng độ D-Dimer bình thường khi nó thấp hơn 0,50.
Kết quả xét nghiệm D-Dimer dương tính
Kết quả xét nghiệm D-Dimer dương tính có thể cho thấy sự hiện diện các vấn đề thoái hóa fibrin ở mức độ cao bất thường. Tuy nhiên, bác sĩ cần làm thêm các kiểm tra khác để khẳng định bạn có cục máu đông trong cơ thể hay không.
Ngoài ra, nồng độ D-Dimer cao còn do các nguyên nhân khác ngoài cục máu đông như: nhiễm trùng, bệnh gan, ung thư.
Những lưu ý khi xét nghiệm D-Dimer
Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
- Hiệu giá yếu tố dạng thấp cao trong hàm lượng huyết thanh dẫn đến kết quả xét nghiệm dương tính giả.
- Loại thuốc tiêu fibrin có thể làm tăng kết quả xét nghiệm/
- Tình trạng tăng lipid trong máu hoặc bệnh phẩm bị tủa đục khiến cho việc thực hiện xét nghiệm D-dimer siêu nhạy bị tăng cao hoặc hạ thấp/
Một số điều cần lưu ý để kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng
Khi xét nghiệm D-Dimer, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Tuân thủ tất cả hướng dẫn của bác sĩ để việc xét nghiệm được thực hiện tốt nhất.
- Vị trí lấy máu có thể để lại vết bầm tím, nhưng nó sẽ hết sau vài ngày.
- Bạn hãy giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc trước ngày thực hiện xét nghiệm.
- Không ăn uống trong khoảng từ 8 đến 12 giờ trước khi làm xét nghiệm.
- Ngưng sử dụng các loại thuốc để tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
Xét nghiệm D-Dimer ở đâu?
Xét nghiệm D-Dimer là một trong những xét nghiệm máu dễ thực hiện. Nó “có mặt” ở hầu hết các cơ sở y tế uy tín trên toàn quốc. Bạn có thể tham khảo các bệnh viện lớn sau đây:
Khu vực | Tên bệnh viện | Địa chỉ bệnh viện |
Miền Nam | Bệnh viện Chợ Rẫy | 201B, đường Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP.HCM. |
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM | 215, đường Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP.HCM. | |
Bệnh viện Nhân Dân Gia Định | 1, đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM. | |
Miền Bắc | Bệnh viện Bạch Mai | 78, đường Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội. |
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội | 1, đường Tôn Thất Tùng, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. | |
Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 | 1, đường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. |
Hy vọng bài viết đã gửi đến bạn những thông tin hữu ích về xét nghiệm D-Dimer. Nếu bạn thuộc đối tượng có nguy cơ cao bị cục máu đông, hãy chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ chỉ định xét nghiệm. Việc phát hiện cục máu đông từ sớm mang lại nhiều lợi ích trong việc chữa trị.