Trong quá trình mang thai, bác sĩ sẽ dặn mẹ một số điều kiện cần chuẩn bị để làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ? Đôi khi mẹ băn khoăn liệu những kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nói lên điều gì? Khi nào gọi là đường huyết bình thường và cao hơn mức bình thường? Mẹ nên làm gì khi có chẩn đoán tiểu đường thai kỳ? Sau đây Klept.com.vn sẽ giải đáp những thắc mắc này giúp mẹ cùng cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ chính xác.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ (TĐTK) là khi mức đường huyết của bạn cao hơn mức cho phép trong quá trình mang thai. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), có đến 6% – 9% phụ nữ mang thai phát triển bệnh TĐTK.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một xét nghiệm mang thai thường quy để tầm soát TĐTK cho mẹ. Nếu kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là đo lượng đường trong máu của mẹ cao hơn mức bình thường, có nghĩa là mẹ có hoặc có nguy cơ phát triển bệnh TĐTK.
TĐTK có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đứa trẻ nếu không được kiểm soát. Đó là lý do tại sao xét nghiệm được khuyến khích cho tất cả các bà mẹ trước sinh. Tin tốt cho mẹ rằng đây là vấn đề sức khỏe thai kỳ dễ quản lý nhất.
Với phần lớn phụ nữ, xét nghiệm TĐTK thường được thực hiện từ tuần 24 đến tuần 28 thai kỳ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể khuyến khích mẹ kiểm tra sớm hơn nếu mẹ thuộc nhóm nguy cơ cao như: Thể trạng thừa cân – béo phì, 35 tuổi trở lên, có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường hoặc có tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
Cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Đến nay có 2 phương pháp xét nghiệm TĐTK. Mỗi phương pháp sẽ có cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ khác nhau:
Với xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hai bước
Bước 1
Mẹ được uống siro chứa 50g đường glucose bất kỳ thời điểm nào trong ngày và thời gian nào sau ăn. Sau 1 giờ NVYT lấy máu tĩnh mạch ở tay mẹ và đo đường huyết:
- Nếu chỉ số đường trong máu <140 mg/dl được xem là bình thường.
- Nếu chỉ số đường trong máu ≥140mg/dL (7,8 mmol/L), mẹ cần tiếp tục làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống để chẩn đoán chính xác.
Bước 2 (nghiệm pháp dung nạp glucose)
Thai phụ được lấy máu làm xét nghiệm 4 lần.
Mẹ bầu cần nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ nhưng không quá 14 giờ. Lúc này NVYT, lấy máu tĩnh mạch ở tay và đo đường huyết lúc đói.
Tiếp theo, mẹ ầu thực hiện uống siro chứa 100g đường glucose vào buổi sáng. NVYT lấy máu sau 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ kể từ lúc uống và làm xét nghiệm. Trong quá trình xét nghiệm, mẹ ngồi nghỉ, không hút thuốc, không ăn hoặc uống đồ ngọt.
Bảng sau đây là tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Khi bạn biết cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ và thấy có ≥ 2 chỉ số bằng hoặc cao hơn chỉ số quy định là đủ tiêu chuẩn chẩn đoán.
Theo Hội nghị quốc tế Đái tháo đường và Thai nghén lần thứ 4, đề nghị nên sử dụng tiêu chuẩn của Carpenter-Coustan với kiểm tra 100g glucose uống.
O’Sullivan-Mahan
Máu toàn SomogyNelson (mg/dl) |
Nhóm dữ kiện ĐTĐ quốc gia
Huyết tương – Tự phân tích (mg/dl) |
Carpenter-Coustan
Huyết tương-Glucose oxidase (mg/dl) |
|
Đói | 90 | 105 | 95 |
1 giờ | 165 | 190 | 180 |
2 giờ | 145 | 165 | 155 |
3 giờ | 125 | 145 | 140 |
Với xét nghiệm tiểu đường thai kỳ một bước
Mẹ cần mất 2 tiếng để hoàn thành xét nghiệm này và được yêu cầu không ăn hoặc uống nước ngọt trong 8 đến 14 giờ trước khi làm xét nghiệm.
NVYT lấy máu tĩnh mạch tay của mẹ để đo đường huyết lúc đói. Tiếp theo mẹ được uống siro chứa 75 g đường glucose và lấy máu đo đường huyết sau 1 giờ và 2 giờ kể từ lúc uống.
Cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bất thường đối với dung nạp đường uống 75 gram trong 2 giờ là:
- Đường huyết lúc đói ≥ 92 mg / dL.
- Đường huyết sau 1 giờ ≥ 180 mg / dL.
- Đường huyết sau 2 giờ ≥ 153 mg / dL.
Nếu đường huyết sau 2 tiếng nằm trong khoảng 140-199 mg/dl, mẹ bầu có thể được chẩn đoán đang trong giai đoạn tiền đái tháo đường.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả xét nghiệm glucose bất thường
Trường hợp nồng độ đường huyết cao
Kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ của mẹ bầu cao hơn giá trị bình thường kể trên có thể là do những nguyên nhân sau:
- Mẹ bầu đang bị tiểu đường lâm sàng hoặc tiểu đường thai kỳ.
- Ảnh hưởng của một số loại thuốc, ví dụ: Corticosteroid, Dilantin, thuốc lợi tiểu và thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc điều trị HIV / AIDS
- Mẹ bầu có thể mắc một số bệnh bao gồm: cường giáp, ứ sắt, u tủy thượng thận hoặc hội chứng Cushing.
Trường hợp nồng độ đường huyết thấp
Ngược lại, lượng đường trong máu thấp cũng xảy ra do tác động của thuốc hoặc các rối loạn trong cơ thể bà bầu, có thể bao gồm:
- Thuốc điều trị: đái tháo đường, trầm cảm, tăng huyết áp.
- Hội chứng Addison.
- Suy giảm chức năng tuyến giáp hoặc tuyến yên.
- Các bệnh về gan tụy.
Xem thêm: Suy giáp: Triệu chứng nguyên nhân và điều trị
Mẹ bầu nên làm gì khi mắc tiểu đường thai kỳ?
Để kiểm soát đường huyết tốt khi mang thai, mẹ bầu cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
Thay đổi lối sống
Lối sống bao gồm vận động và dinh dưỡng tiết chế. Đây là nguyên tắc cực kỳ quan trọng giúp mẹ giữ lượng đường trong máu ở mức cho phép. Tuy nhiên, dinh dưỡng tiết chế không có nghĩa là mẹ cần giảm cân khi mang thai. Bởi vì cơ thể mẹ cần năng lượng và dinh dưỡng để hỗ trợ thai nhi phát triển. Bác sĩ sẽ khuyến cáo những loại thức ăn và mục tiêu tăng cân dựa trên cân nặng của mẹ trước mang thai.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Nguyên tắc cơ bản nhằm góp phần kiểm soát chặt chẽ tiểu đường thai kỳ đó là kế hoạch và chế độ dinh dưỡng.
Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ có khẩu phần lớn là trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt. Đây là những thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất xơ, ít chất béo, calo và hạn chế nạp thêm đường. Bên cạnh đó, mỗi ngày mẹ cần chia ra 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ nhằm tránh hạ đường huyết ban đêm và trước các bữa ăn.
Duy trì vận động
Hoạt động thể chất thường xuyên đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe của mọi phụ nữ trước, trong và sau khi mang thai. Tập thể dục làm giảm lượng đường trong máu của mẹ. Ngoài ra nó còn có thể giúp giảm một số khó chịu thường gặp khi mang thai như đau lưng, chuột rút cơ, táo bón và khó ngủ…
Theo khuyến cáo, mẹ nên tập thể dục mức độ vừa phải 30 phút từ 5-7 ngày trong tuần. Đi bộ, bơi lội, yoga là những sự lựa chọn tốt khi mang thai. Thời gian rảnh có thể làm việc nhà hoặc làm vườn cũng được xem là có vận động.
Sử dụng thuốc insulin nếu cần
Nếu chế độ ăn uống và tập thể dục không đủ để kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở mức cho phép, mẹ có thể cần tiêm insulin để giảm lượng đường trong máu. Trên thực tế có từ 10% đến 20% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần insulin để đạt được chỉ số đường huyết mục tiêu.
Mẹ cần được đo đường huyết mao mạch nhiều lần mỗi ngày tại nhà hoặc nơi làm việc để điều chỉnh liều insulin điều trị thích hợp.
Tầm soát bệnh tiểu đường sau khi mang thai
Mẹ nên tầm soát bệnh tiểu đường từ 6 đến 12 tuần sau khi sinh con và cứ sau 1 đến 3 năm. Đối với hầu hết phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ, bệnh tiểu đường sẽ biến mất ngay sau khi sinh. Khi chỉ số đường không trở về bình thường, bệnh được gọi là tiểu đường loại 2.
Trên thực tế, ngay cả khi bệnh tiểu đường biến mất sau khi sinh con, một nửa số phụ nữ có tiểu đường thai kỳ sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2 sau này. Điều quan trọng đối với một phụ nữ đã bị tiểu đường thai kỳ là tiếp tục tập thể dục và ăn một chế độ ăn uống lành mạnh sau khi mang thai để ngăn ngừa hoặc trì hoãn mắc bệnh tiểu đường loại 2. Mẹ cũng nên nhắc kiểm tra lượng đường trong máu từ 1 đến 3 năm một lần.
Kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ phản ánh lượng đường trong máu của mẹ. Nếu mẹ vẫn còn băn khoăn hoặc lo lắng về kết quả, mẹ nên tìm gặp bác sĩ để tư vấn cụ thể. Tiểu đường thai kỳ là vấn đề sức khỏe dễ quản lý. Nếu kiểm soát lượng đường trong máu tốt, tuân thủ theo hướng dẫn, hầu hết mẹ đều có thai kỳ bình thường và sinh con khỏe mạnh.