Nhiều người ngại đi tới các cơ sở khám chữa bệnh vì tốn nhiều thời gian. Thay vào đó họ hỏi “bác sĩ Google”, nhưng có 7 lý do bạn cần thận trọng khi làm điều này.
Nếu bạn là một người thường xuyên tra cứu các triệu chứng bệnh trên Google và tự chẩn đoán, điều trị thì có thể sẽ nhiều rủi ro. Lý do là vì không phải bất cứ trang website nào cũng đáng tin cậy và có sự tư vấn từ các chuyên gia sức khỏe. Chính vì vậy, bạn cần biết 7 lý do này để thận trọng khi tự chẩn đoán bệnh theo “bác sĩ Google”.
Kết quả website tìm được trên Google không đáng tin
Thường thì Google sẽ trả về kết quả tìm kiếm là hàng triệu trang web, nhưng không phải trang web nào cũng đáng tin. Có rất nhiều trang web lợi dụng việc người đọc muốn lấy thông tin “mì ăn liền” để sao chép, đưa thông tin không chính xác, không đúng nguồn gốc, chưa được kiểm định nhằm gia tăng lượt xem và chuộc lợi.
Để tránh lãng phí thời gian vào những trang web không uy tín, bạn có thể tham khảo các bài viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt có HONCode. HONCode là một chứng nhận được trao bởi Health On the Net Foundation cho những website về sức khỏe đáng tin cậy, uy tín.
Theo đó, những website này không đưa chẩn đoán bệnh mà chỉ đưa lời khuyên trong việc phòng chống, chữa bệnh một cách rõ ràng. Bạn có thể nhận biết những trang web này bằng cách nhìn vào góc dưới trang web y tế sẽ thấy dấu HONCode. Một số trang web về sức khỏe bằng tiếng Anh bạn có thể tham khảo là WebMD, Healthline, Mayoclinic,…
Google có những chẩn đoán “đáng sợ”
Khi nhờ Google bắt bệnh, bạn sẽ nhận được những kết quả bệnh khá đáng sợ mặc dù chỉ là một triệu chứng nhỏ. Ví dụ bạn bị ho, Google cũng có thể cho là bạn bị viêm phổi. Một cơn đau đầu có thể là dấu hiệu của chứng suy tuyến cận giáp, ung thư, khối u,…
Những chẩn đoán này tưởng chừng chỉ là những con chữ nhưng lại đem tới những tác động tiêu cực rất lớn cho người xem về mặt tinh thần.
Có thể tự chẩn đoán bệnh sai
Khi đã tự mình chẩn đoán bằng Google với các triệu chứng, bạn có thể nhận về kết quả sai như nói ở trên. Chính vì vậy mà bạn rất dễ rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và bắt đầu tìm kiếm thêm thông tin nên càng gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
PGS.TS. BS. Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM cho biết việc tra cứu thông tin không sai, nhưng cần biết cách chắt lọc sao cho hiệu quả là điều rất khó. Để có được sự chẩn đoán chính xác về một căn bệnh nào đó đòi hỏi rất nhiều chuyên môn, kiến thức.
Bạn cần được thăm khám, làm xét nghiệm cũng như theo dõi trong một thời gian nhất định thì mới có thể chẩn đoán cũng như điều trị chính xác được. Bác sĩ cho rằng tự chẩn đoán sẽ khiến bạn đánh giá thấp hoặc thái quá mức độ y tế cần thiết với tình trạng sức khỏe.
Khi hiểu sai về bệnh, bệnh nhân có thể tự đi mua thuốc dẫn đến kê toa sai, đặc biệt nguy hiểm với thuốc kháng sinh. Người bệnh có tiền sử dị ứng với một nhóm thành phần nhất định trong thuốc có thể bị dị ứng chéo với các nhóm thuốc khác.
Bạn sẽ bối rối vì những ý kiến trái chiều
Mạng internet ngày càng chứa nhiều thông tin, ý kiến khác nhau về các loại bệnh, chẩn đoán bệnh. Cũng theo bác sĩ Nam, những thông tin y tế tràn lan trên mạng có thể có lợi hoặc hại, nhưng mặt hại sẽ nhiều hơn khi xét về tính điều trị.
Chính vì vậy, khi tra cứu Google, bạn dễ dàng bị choáng ngợp, hoang mang, không biết thông tin nào đúng thông tin nào chưa chính xác. Từ đây, bạn càng bối rối và không biết nên điều trị thế nào, uống thuốc ra sao hay chữa bệnh từ đâu.
“Bác sĩ Google” có thể làm bạn trì hoãn khám bệnh
Cơ thể bạn xuất hiện những triệu chứng không bình thường và có thể cần sự chăm sóc y tế ngay. Thế nhưng nếu tự mình tìm hiểu Google và tin vào những thông tin không xác thực, bạn sẽ có xu hướng trì hoãn việc đi khám, nên không nhận được sự chăm sóc y tế và những lời khuyên hợp lý cho tình trạng bệnh.
Sự chậm trễ này sẽ không nguy hại nếu bạn chỉ mắc những bệnh thông thường. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không may có những căn bệnh nguy hiểm hơn, việc làm này sẽ khiến tình trạng bệnh chuyển biến xấu đi và gây ra những hậu khôn lường.
Google đưa ra những lời khuyên không chính xác
Không chỉ chẩn đoán bệnh sai, nhiều trang web trên Google cũng có thể đưa những lời khuyên về việc khám chữa và trị bệnh, hay chăm sóc sức khỏe không hợp lý.
Đây đều là những tiêu đề báo “giật tít”, nhằm câu tương tác chứ không phải những lời khuyên sức khỏe uy tín và có tính xác thực.
“Bác sĩ Google” không có “trình độ y khoa”
Các bác sĩ, chuyên gia chuyên nghiệp trong lĩnh vực y tế đã trải qua rất nhiều thời gian để nắm vững lý thuyết và thực hành khám bệnh, bốc thuốc đúng cách. Đây là quá trình không hề đơn giản, vô cùng khó khăn vì liên quan tới tính mạng con người.
Chính vì vậy, bạn có tự đặt câu hỏi rằng những “bác sĩ Google” thì sẽ học kiến thức ở đâu để chỉ cho chúng ta? “Bác sĩ Google” không có kiến thức chuyên môn, không có kinh nghiệm thực hành sẽ khiến bạn gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe hơn nếu không cẩn thận.
Bác sĩ Hoài Nam khuyên bạn chỉ nên tra cứu những thông tin sức khỏe thông thường, chung chung trên internet. Trường hợp cần kiến thức chuyên sâu hơn thì việc sử dụng Google dễ gây hoang mang, định hướng nhầm tư tưởng người bệnh dẫn đến cuộc trao đổi với bác sĩ không đạt kết quả.
Bạn nên cẩn trọng khi tiếp xúc với các thông tin sức khỏe trên mạng. Hãy tham khảo thông tin ở những trang web uy tín, đã được kiểm định. Cố gắng hiểu một cách logic những gì tìm được trên internet, tóm tắt kế hoạch điều trị của bác sĩ giúp tập hợp các triệu chứng và chẩn đoán chính xác hơn. Bên cạnh đó hãy tới những cơ sở y tế chất lượng cao để đảm bảo được kiểm tra sức khỏe đúng cách.
“Sức khỏe là vốn quý nhất” là câu nói xưa nay chúng ta đều dùng để nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe. Hãy giữ gìn cơ thể thật tốt và tỉnh táo với bất cứ nguồn tin nào bạn nhé.
Nguồn: Healthline, báo Sức Khỏe và Đời Sống.
Klept.com.vn